Giá gas hôm nay 10/4: Xanh sàn, điều gì lại đang xảy ra?

(Banker.vn) Giá gas hôm nay 10/4, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) tăng 0,94% lên mức 2,03 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 5/2023.
Giá gas hôm nay 5/4: Giảm mạnh khoảng 50% so với đầu năm nhưng nỗi lo vẫn còn Giá gas hôm nay 6/4: Phủ sắc xanh trong phiên giao dịch; châu Âu giảm nguồn cung cấp khí đốt của Nga Giá gas hôm nay 8/4 giảm kỷ lục; thấy dấu vết chất nổ đường ống khí đốt Nord Stream

Theo hãng tin Reuters, các nước Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với khả năng chi phí năng lượng tăng đột biến vào mùa Đông tới do nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc. EU đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong năm 2022 bằng cách tăng cường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nhà cung cấp khác lên 121 triệu tấn, tăng 60% so với năm 2021.

Giá gas hôm nay 10/4:
Hệ thống đường ống khí đốt

Tuy nhiên, phần lớn lượng LNG này được EU mua trên thị trường giao ngay, nơi giá LNG cao hơn đáng kể so với chi phí được đàm phán theo các hợp đồng dài hạn. Năm 2022, EU chiếm hơn 1/3 thị trường LNG giao ngay toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức 13% vào năm 2021, và con số này có thể tăng lên hơn 50% nếu khối này không đảm bảo được các thỏa thuận dài hạn.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thông tin, giá LNG đã tăng gấp hơn 3 lần trong năm ngoái, và EU đã chi khoảng 190 tỷ USD cho khí đốt siêu lạnh.

Hiện nay, những khách hàng châu Á đang dẫn đầu cuộc đua giành nguồn cung LNG toàn cầu hạn chế, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. "Do đó, các doanh nghiệp năng lượng EU cần phải hành động trước bằng cách ký kết các hợp đồng mua bán dài hạn, quy mô lớn dựa trên mô hình của Trung Quốc, để tự bảo vệ mình trước những rủi ro của thị trường LNG toàn cầu đầy biến động" - ông Victor Tenev, chuyên gia của công ty tư vấn ROITI cho biết.

Nhiều dự đoán cho thấy, EU vẫn còn một chặng đường dài để thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga và khiến khối này một lần nữa phải đối mặt với thị trường đắt đỏ.

Một số nguồn tin cũng cho biết, khi Nga giảm xuất khẩu khí đốt vào năm ngoái, Na Uy đã đẩy mạnh nỗ lực và hiện là nhà cung cấp nhiên liệu chính của châu Âu. Na Uy cũng đang cung cấp lượng dầu lớn hơn cho các nước láng giềng, thay thế dầu của Nga bị cấm vận.

Bà Kristin Fejerskov Kragseth, Giám đốc điều hành của Petoro chia sẻ, chiến sự và toàn bộ tình hình năng lượng đã chứng minh rằng năng lượng của Na Uy cực kỳ quan trọng với châu Âu. Chúng tôi luôn quan trọng nhưng có lẽ chúng tôi đã không nhận ra điều đó".

Khi nhu cầu năng lượng tăng do xung đột ở Ukraina, thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt của Na Uy tăng khoảng 100 tỷ USD. Năm ngoái, sản lượng khí đốt tăng 8%, khiến Na Uy trở thành nguồn cung khoảng 1/3 lượng khí đốt tiêu thụ ở châu Âu. Na Uy đã nhận được thành quả tài chính khi cấp khí đốt cho châu Âu.

Giống như các công ty năng lượng như Shell và BP đạt mức lợi nhuận kỷ lục vào năm ngoái, Petoro kiếm được khoảng 50 tỷ USD trong năm 2022, gần gấp 3 lần so với doanh thu năm 2021.

Đáng chú ý hơn, mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko cho hay, Ukraine có triển vọng thiết lập một trung tâm lưu trữ khí đốt lớn của châu Âu trên lãnh thổ của mình. "Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi là lập nên một trung tâm năng lượng lớn ở Ukraine, đặc biệt là để lưu trữ khí đốt của các quốc gia châu Âu" - Bộ trưởng Galushchenko nêu.

Ukraine có một trong những cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất châu Âu, có khả năng lưu trữ hơn 30 tỷ m3 khí đốt. Quan chức này lưu ý hiện nay, Ukraine sẵn sàng cung cấp cho các đối tác châu Âu lượng khí đốt lưu trữ dưới lòng đất lên tới 15 tỷ m3.

Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước từ 1/4 giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Cụ thể, so với tháng 3, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm từ 58.000-62.000 đồng, loại 45 kg giảm khoảng 220.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.

Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/4, giá gas của công ty này sẽ giảm 62.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức giảm 5.167 đồng/kg (đã bao gồm VAT). Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 399.000 đồng/bình 12 kg.

Tương tự, các sản phẩm gas bán lẻ của City Petro giảm 4.833 đồng/kg. Như vậy, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng giảm 58.000 đồng/bình.

Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam cũng cho biết, kể từ ngày 1/4, giá gas của công ty giảm 4.833 đồng/kg (đã bao gồm VAT) tương đương giảm 58.000 đồng/bình 12 kg và giảm 217.500 đồng/bình 45 kg so với tháng trước. Như vậy, giá bán lẻ gas của thương hiệu này đến người tiêu dùng là 417.912 đồng/bình 12 kg và 1.567.670 đồng/bình 45 kg.

Nguyên nhân giá gas trong nước quay đầu giảm mạnh là do giá gas thế giới tháng 4 chốt ở mức 550 USD/tấn, giảm 180 USD/tấn so với tháng 3. Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.

Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 3 lần giảm và 1 lần tăng vào đầu tháng 2. Trước đó, trong tháng 3/2023, giá cũng đã giảm 16.000 đồng/bình 12 kg.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương