Giá gas hôm nay 1/5: Thế giới giảm, trong nước quay đầu tăng nhẹ

(Banker.vn) Giá gas hôm nay 1/5, giá gas thế giới giảm 1,33%; giá gas bán lẻ trong nước quay đầu tăng nhẹ sau hai tháng liên tiếp giảm mạnh.
Giá gas hôm nay 27/4: Giá khí đốt tự nhiên tăng, giá gas giảm Giá gas hôm nay 28/4: Ít biến động, chờ đợi thêm thông tin thị trường Giá gas hôm nay 29/4: Phiên cuối tuần tăng vọt, đạt 2,404 USD/mmBTU

Tại thị trường thế giới, vào đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) ngày 1/5, giá gas giảm 1,33% xuống mức 2,37 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 6/2023.

Giá gas hôm nay 1/5: Thế giới giảm, trong nước quay đầu tăng nhẹ
Giá gas ngày 1/5 giao dịch ở mức 2,37 USD/mmBTU

Khí đốt từ Nga đang chiếm tỷ lệ ngày càng giảm trong nguồn cung năng lượng của Liên minh Châu Âu (EU) kể từ khi khối này áp đặt các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022.

Đầu tháng 3 năm nay, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu giảm 80% trong vòng 8 tháng và khu vực hiện phụ thuộc vào các mỏ khí đốt của Na Uy và nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ để phục vụ nhu cầu.

Na Uy hiện là nguồn cung khí đốt lớn nhất của châu Âu sau khi xuất khẩu Nga giảm mạnh vào năm 2022. Theo dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights, xuất khẩu khí đốt của Na Uy sang châu Âu trong tháng 4/2023 đạt 9,65 tỷ mét khối. Na Uy cam kết đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định cho châu Âu, để chống lại tác động từ việc giảm nguồn cung của Nga.

Tổng cục Dầu mỏ Na Uy (NPD) dự đoán sản lượng khí đốt của Na Uy sẽ duy trì ổn định vào năm 2023 trước khi đạt đỉnh mới 122,5 tỷ mét khối vào năm 2025.

Theo RT, Tổng thống Síp Nikos Christodoulidis vừa đề xuất Liên minh châu Âu (EU) sử dụng khí đốt tự nhiên từ phía đông Địa Trung Hải để thay thế cho nguồn cung khí đốt Nga. Khu vực đông Địa Trung Hải có thể đáp ứng khoảng 15%-16% nhu cầu khí đốt của EU trong 25 năm tới.

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lặp lại của đợt tăng giá năm ngoái do cạnh tranh nguồn cung giữa các nước EU, sau khi khối này quyết định từ bỏ nhập khẩu khí đốt Nga, EU mới đây đã ra mắt cơ chế mua chung khí đốt. Theo đó, các quốc gia thành viên của EU có thể chuyển sang mua khí đốt chung. Các công ty năng lượng từ khắp khối có thể đăng ký nhu cầu thông qua cơ chế AggregateEU.

Phân tích từ nhóm nghiên cứu năng lượng Ember - tổ chức tư vấn có trụ sở tại Vương quốc Anh cho thấy, các quốc gia thuộc EU đốt ít than và khí đốt tự nhiên hơn để phát điện trong mùa đông năm ngoái so với những năm trước, giữa cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra do cuộc xung đột giữa Nga vào Ukraine.

Nhu cầu khí đốt để phát điện giảm cũng cho phép khí đốt được sử dụng hiệu quả hơn trong các lĩnh vực ưu tiên như sưởi ấm và làm đầy các kho lưu trữ. Do đó, EU đã kết thúc mùa đông này với lượng khí lưu trữ ở mức 56% (60 tỷ mét khối), gấp đôi mức vào cuối tháng 3 năm 2022.

Ông Henning Gloystein - Giám đốc phụ trách năng lượng, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên tại Công ty tư vấn chính trị Eurasia Group nhận định, thị phần cung cấp LNG của Nga gần như chắc chắn sẽ giảm trong thập kỷ này.

Giá gas hôm nay 1/5: Thế giới giảm, trong nước quay đầu tăng nhẹ
Giá gas đỏ rực trong phiên giao dịch đầu tuần

Nếu như năm 2021, thời điểm trước khi xung đột nổ ra, Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, đồng thời là nước xuất khẩu LNG lớn thứ 4, sau Australia, Qatar và Mỹ, tuy nhiên hiện tại đã đảo chiều. Các quốc gia Australia, Qatar và Mỹ được dự báo sẽ lập tức lấp đầy chỗ trống của Nga.

"Mỹ và Qatar đang là những nước hưởng lợi chính khi Nga mất vị thế trong hệ sinh thái LNG toàn cầu" - ông Henning Gloystein nói.

Ngoài Mỹ và Qatar, khu vực Đông Địa Trung Hải cũng sở hữu vị trí địa lý hoàn hảo để thay thế Nga cung cấp khí đốt qua đường ống cho các quốc gia Nam Âu, đặc biệt là Italy, Hy Lạp và Croatia.

“Chúng ta sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của những nơi như Mỹ, Mozambique và Australia” - ông Zhi Xin Chong - Giám đốc về khí đốt khu vực Nam và Đông Nam Á của Global Commodity Insights chia sẻ, đồng thời dự báo, tới năm 2030, Mỹ sẽ chiếm khoảng 25% tổng công suất LNG toàn cầu, trong khi tỷ lệ này của Qatar là 19%.

Ông Chong dự báo tới năm 2030, Mỹ sẽ chiếm khoảng 25% tổng công suất LNG toàn cầu, trong khi tỷ lệ này của Qatar là 19%.

Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ quay đầu tăng nhẹ kể từ 1/5 sau hai tháng liên tiếp giảm mạnh. Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 5/2023 tại thị trường Hà Nội là 406.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.626.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt tăng 1.360 đồng/bình 12 kg và 5.340 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).

Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam Miền Nam tăng 167 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương 2.000 đồng/bình 12kg và 7.500 đồng/bình 45kg so với tháng trước. Giá gas bán lẻ tối đa là 420.000 đồng/bình 12 kg, khoảng 1.575.000 đồng/bình 45 kg, áp dụng từ ngày 1/5.

Tương tự, Công ty Saigon Petro (gas SP) cũng tăng giá 2.000 đồng/bình 12 kg nhưng giá bán lẻ tối đa là 401.000 đồng/bình.

Nguyên nhân giá gas trong nước tăng nhẹ là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 5/2023 ở mức 555 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 4 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 này.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương