Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục xu hướng hạ nhiệt

(Banker.vn) Giá gạo xuất khẩu đầu tuần này đã tiếp tục giảm 15 USD so với tuần trước đó.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam bước vào xu hướng “hạ nhiệt”? Giá gạo xuất khẩu “tăng nhiệt” trở lại sau 1 tuần điều chỉnh giảm

Giá gạo Việt Nam và Thái Lan tiếp tục giảm mạnh

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 11/9 – 17/9, giá gạo thô kỳ hạn tháng 11 niêm yết trên Sở Chicago hồi phục 0,93% lên 319,18 USD/tấn.

Diễn biến trái chiều, giá gạo Việt Nam xuất khẩu nối dài đà hạ nhiệt trong tuần vừa qua. Số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, sau 2 lần điều chỉnh giảm và 1 lần hồi phục nhẹ tròn tuần qua, đầu tuần này (18/9), gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục giảm thêm 15 USD/tấn so với ngày tuần trước đó về mức 613 USD/tấn; tương tự gạo 25% tấm mất mức 600 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn, xuống còn 598 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục xu hướng hạ nhiệt
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm nhẹ sau khi đạt mức kỷ lục

Trên thị trường thế giới, gạo 5% của Thái Lan cũng giảm 7 USD về 611 USD/tấn, 25% tấm sụt 13 USD về 550/USD một tấn so với tuần trước đó. Tuy khoảng cách với gạo Thái Lan đã thu hẹp hơn, gạo Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận mức giá cao nhất thế giới

MXV cho biết, tín hiệu nguồn cung dần ổn định trở lại là yếu tố chính khiến giá gạo hạ nhiệt trong 2 tuần trở lại đây.

Chính phủ Ấn Độ mới đây cho biết, lệnh cấm xuất khẩu đã giúp quốc gia này đảo bảo nguồn cung đầy đủ với các loại lương thực thiết yếu như gạo và lúa mì. Bên cạnh đó, theo nguồn tin từ Bộ Lương thực Bangladesh, nước này có đủ lượng gạo dự trữ, hiện khoảng 1,7 triệu tấn, để cung cấp cho người dân giữa bối cảnh giá gạo thế giới và trong nước tăng cao.

Các quốc gia tiêu thụ lớn cũng đã tích cực thu mua trong giai đoạn trước đó nhằm bổ sung dự trữ cần thiết đối với mặt hàng lương thực thiết yếu này. Tại Indonesia, chính phủ đã tăng cường nhập khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh chính phủ đặt mục tiêu bổ sung dự trữ đối với mặt hàng thiết yếu này.

Cơ quan Thống kê Indonesia báo cáo, nước này đã nhập khẩu 1,59 triệu tấn gạo trong 8 tháng đầu năm nay, tăng vọt so với mức 237.146 tấn cùng kỳ năm ngoái. Hơn một nửa trong số này có nguồn gốc từ Thái Lan. Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn thứ 2 cho Indonesia trong giai đoạn này với 674.000 tấn.

Chính phủ Indonesia cũng đã giao cho cơ quan thu mua thực phẩm nhà nước Bulog nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo trong năm 2023 để ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, vốn gây ra hạn hán và làm thiệt hại mùa màng ở châu Á. Tính đến hết tháng 8, lượng nhập khẩu đã gần đạt tới 80% kế hoạch.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng tới, nhiều quốc gia sản xuất lúa gạo cũng sẽ bước vào cao điểm mùa thu hoạch, dự báo sẽ cung cấp lượng lớn nguồn cung ra thị trường.

Trong khi đó, việc giá gạo neo cao ở mức kỷ lục trong giai đoạn vừa qua cũng đã làm hạn chế lực mua đối với mặt hàng này. Các nhà nhập khẩu hiện cho thấy tâm lý rất thận trọng trong quyết định ký các hợp đồng mới, đồng nghĩa với việc một lượng hàng nhất định vẫn “nằm yên” trong tay nông dân và doanh nghiệp.

Một yếu tố khác củng cố cho đà hạ nhiệt của giá gạo, Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới có khả năng giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này. Điều này cũng kéo giá gạo xuất khẩu giảm theo.

Tuy nhiên, trong ngắn và trung hạn, nhiều quốc gia tiêu thụ vẫn cần đẩy mạnh nhập khẩu gạo để bổ sung vào kho dự trữ. Đây sẽ là yếu tố kiềm chế đà giảm của giá gạo. Riêng tại Việt Nam, tính đến hết tháng 8, kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt gần 6 triệu tấn, trị giá gần 3,2 tỉ USD. Hiện tại, lượng gạo xuất khẩu ước tính chỉ còn hơn 1 triệu tấn. Theo MXV, giá gạo Việt Nam tiếp tục duy trì mức cao so với Thái Lan và cao nhất thế giới.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ diễn biến ra sao?

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nhu cầu của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.

Về nguồn cung trong nước, hiện đang là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhen nhóm đàm phán với khách hàng cho năm tới nên rất quan tâm đến thời điểm xuống giống, thu hoạch, cơ cấu giống vụ Đông Xuân 2023-2024.

Về thị trường, dự báo, Philippines dự báo vẫn là thị trường số 1 của gạo Việt, chiếm 40%. Trung Quốc gần đây nhập chậm lại do giá cao nhưng nước này đang thất mùa nên sẽ nhập gạo nhiều trong thời gian tới.

Mặt khác, giá gạo toàn cầu nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức cao khi tình hình nguồn cung không quá khả quan như hiện tại. Để nắm bắt cơ hội và khẳng định vị thế ngành gạo Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần đặc biệt lưu ý bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới các thị trường giá trị cao.

Hiện nay, Vụ Thu Đông còn 400.000 ha chưa thu hoạch và theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ Đông Xuân tới tiếp tục tập trung thế mạnh là sản xuất các giống lúa thơm, chất lượng cao. Vụ này sẽ xuống giống từ ngày 10/10, trong tháng 1/2024 đã có gạo cho xuất khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi cho nguồn gạo xuất khẩu và là điều kiện để duy trì giá gạo ở mức cao vì các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao vẫn có giá bán vượt trội so với gạo thường.

Những hướng đi này cũng là xu hướng chung, phù hợp với mục tiêu đặt ra trong Quyết định 555/QĐ-BNN-TT phê duyệt "Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”. Cụ thể, đến năm 2030, tỷ lệ diện tích gieo trồng sử dụng hạt giống xác nhận hơn 90%; sử dụng giống chất lượng cao 80%, giảm lượng giống gieo sạ (bình quân còn 80 kg/ha) hơn 80%; ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến và quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP và tương đương, canh tác lúa thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ,...) khoảng 70%; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số khoảng 20%. Giảm lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học dùng trong sản xuất lúa 40%.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục