Giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng?

(Banker.vn) Giá gạo xuất khẩu tăng từ đầu tháng 2/2023 đến nay, tuy nhiên, mức giá vượt hơn 1.200 USD/tấn chỉ ở một số đơn hàng đặc biệt.
Vì sao xuất khẩu gạo giảm mạnh trong tháng đầu năm? Giá lúa gạo hôm nay 9/2: Doanh nghiệp đẩy mạnh gom hàng

Đầu tháng 2/2023, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày 5/2 đã tăng 15 USD/tấn so với cuối tháng trước. Cụ thể, loại 5% tấm giao dịch ở 473 USD/tấn, gạo 25% tấm 453 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong vài năm qua.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao do đâu?
Giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng?

Trước đó, vào tháng 12/2022, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam duy trì ở mức cao nhất thế giới với khoảng 438 USD/tấn; gạo 25% ở mức 418 USD/tấn.

Trên thị trường thế giới, ngày 9/2 giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào ở mức 468 USD/tấn; tương tự gạo 25% tấm duy trì ở mức 448 USD/tấn.

Trước đó 2 ngày (7/2), một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại Cần Thơ cho biết, doanh nghiệp đã có đơn hàng gạo loại 5% tấm và gạo 25% tấm mức giá lần lượt là 485 USD/tấn và 495 USD/tấn, tăng 15 USD/tấn so với cuối năm 2022. Đáng chú ý, giá xuất sang thị trường EU bất ngờ lên đến 1.250 USD/tấn.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Intimex Group - cho hay, năm nay giá gạo tăng cao do nhiều lý do.

Thứ nhất, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới tiếp tục tăng do những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có hồi kết, các quốc gia có nhu cầu dự trữ lương thực nhiều hơn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước, đặc biệt như tại một số nước như Philippines liên tục bị bão, lũ.

Thứ hai, riêng đối với các loại gạo thơm, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đang tăng, trong khi đó, chỉ Việt Nam có loại gạo này đã đẩy giá gạo này tăng cao.

Thứ ba, trong bối cảnh tại Việt Nam đang giảm dần sản xuất các loại gạo thường, gạo trắng và tăng cường gạo thơm. Mặt khác, nhiều vùng trồng lúa đã chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả cao hơn. Việc này làm cho sản lượng lúa gạo của chúng ta giảm.

Thứ tư, hiện đang có tình trạng các doanh nghiệp ký đơn hàng từ trước đó. Thời điểm này, bắt buộc họ phải giao hàng, khi thiếu hàng thì buộc họ phải đẩy giá thu mua lên.

Liên quan đến thông tin giá gạo xuất khẩu lên tới hơn 1.200 USD/tấn, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, đây chỉ là những trường hợp nhỏ lẻ. Ví dụ như gạo sản xuất theo phương pháp hữu cơ bền vững; sản phẩm đã được đóng gói bao bì và đáp ứng những điều kiện hết sức khắt khe thì giá bán sẽ cao hơn so với gạo thông thường.

‘Ly cà phê chúng ta uống trong khách sạn 5 sao thì phải khác với cà phê uống vỉa hè’, ông Đỗ Hà Nam dẫn chứng và cho rằng, việc lấy mức giá xuất khẩu của một mặt hàng để nói chung giá gạo Việt đạt mức cao sẽ là khập khiễng.

Mặt khác, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (Hiệp định EVFTA) với hạn ngạch chỉ 80 nghìn tấn. Một số báo chí đưa con số xuất khẩu gạo sang thị trường EU lên đến 100 - 200 nghìn tấn thì liệu chăng có đúng? Ông Đỗ Hà Nam đặt câu hỏi và nhận định, việc giá gạo xuất khẩu lên tới 1.200 USD/tấn nó sẽ rơi vào những nhóm mặt hàng có những đặc thù riêng.

Trong kinh doanh buôn bán thì phải nói trên mức giá bình quân. Hiện nay, số liệu hải quan, giá xuất khẩu gạo bình quân đến thời điểm này cao nhất cũng chưa có đơn vị nào vượt quá 700 USD/tấn. Kể cả những đơn vị rất nổi tiếng như Lộc Trời, Trung An.

Nhận định về tình hình xuất khẩu gạo năm 2023, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, lượng gạo xuất khẩu năm nay sẽ không bằng năm ngoái. Dự kiến, chỉ đạt khoảng 6 triệu tấn.

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Nam cho biết, năm ngoái giá xuất khẩu gạo rất tốt, do đó, lượng hàng tồn kho đã bán sạch. Vào vụ mới, lượng sản xuất ra đến đâu chúng ta bán đến đấy. Đợt này, giá tốt hơn, nhưng sản lượng bán ra không bằng năm ngoái.

"Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2023, xuất khẩu gạo ước đạt 400.000 tấn với giá trị 203 triệu USD, giảm lần lượt 20,9% và 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính bình quân, giá gạo xuất khẩu tăng đâu đó khoảng 3%", ông Nam dẫn chứng.

Mặt khác, mọi năm chúng ta nhập khẩu gạo từ thị trường Ấn Độ khoảng gần 1 triệu tấn. Nhưng năm nay, thị trường này hạn chế xuất khẩu. Do đó, lượng gạo nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ là không có. Nên chúng ta có thể bị thiếu hụt 1 phần ở đây.

Về giá gạo xuất khẩu, mặt bằng chung chắc chắn sẽ tăng lên do nhu cầu toàn cầu tăng lên.

Sản lượng giảm, giá lúa gạo tăng lên và người nông dân sẽ là người được hưởng lợi. Tuy nhiên, để dự báo mức tăng giá này có bù được con số xuất khẩu thiếu hụt do sản lượng tụt giảm hay không sẽ là rất khó.

Những ngày vừa qua, thông tin giá lúa tăng đem lại sự phấn khởi không nhỏ cho bà con nông dân. Cập nhật đến ngày 9/2, tại An Giang, lúa OM 5451 giá 6.400 - 6.600 đồng/kg; đài thơm 8 6.700 - 6.900 đồng/kg; nàng hoa 9 dao động ở mức 6.800 - 7.100 đồng/kg; giá lúa 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.700 - 6.800 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 - 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 - 8.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.400 - 6.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg;….

Như vậy, nếu so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có giá bán cao hơn khoảng 300 - 500 đồng/kg.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giá gạo nguyên liệu duy trì ổn định ở mức 9.600 - 9.700 đồng/kg; gạo thành phẩm ở mức 10.600 - 10.700 đồng/kg.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương