Tăng 15 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu thiết lập đỉnh mới; chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp thận trọng Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, giá gạo Việt sẽ còn tăng cao |
Những ngày qua, thị trường gạo nội địa và xuất khẩu bất ngờ sôi động vượt ngoài tất cả các dự báo khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo ngày 20/7. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 27/7, mức chào giá xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục tăng thêm 10 USD/tấn đối với phân khúc gạo 5% và 25% tấm so với ngày trước đó, đạt mức 558-562 USD/tấn đối với loại 5% tấm và 538-542 USD/tấn đối với loại 25% tấm. Chỉ trong 3 phiên gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng tới 25 USD/tấn.
Được biết, đây cũng là mức giá chào bán cao nhất mà các doanh nghiệp gạo Việt Nam đưa ra kể từ tháng 7/2021 đến nay.
Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh sau khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ |
Thực tế, nếu so với thời điểm ngày 20/7 - tức thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng, thì giá chào bán của Việt Nam hiện đã tăng thêm 25 USD/tấn đối với cả phân khúc 5% và 25% tấm. Trước đó, ngày 20/7, gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam được chào bán lần lượt với mức giá 533-537 USD/tấn và 513-517 USD/tấn).
Trong khi đó, nếu so sánh với mức giá được thiết lập vào đầu năm 2023, thì hiện giá gạo 5% và 25% tấm được doanh nghiệp Việt Nam chào bán tăng khoảng 85 USD/tấn.
Tương tự, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan đã vượt mốc 600 USD/tấn. Trong 4 phiên giao dịch gần nhất giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan đã tăng tới 53 USD/tấn.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo mấy ngày nay biến động mạnh theo chiều hướng tăng. Nguyên nhân giá gạo tăng là do khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo.
Thị trường gạo trong nước và xuất khẩu liên tục tăng những ngày qua |
Cũng theo ông Nam, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, do đó bất kỳ động thái nào liên quan đến xuất khẩu gạo của quốc gia này cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Đặc biệt là với các nước sử dụng gạo làm lương thực tiêu dùng chính.
“Từ khi có lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, mặc dù thị trường tiêu dùng chưa có vấn đề gì, song lệnh cấm đã khiến giá gạo tăng mạnh. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam hỏi mua gạo, tự trả giá cao hơn 10-20 USD/tấn so với thời điểm trước khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, việc tăng giá đột ngột khiến các doanh nghiệp cũng thận trọng hơn khi giao dịch. Bởi họ chưa biết giá gạo sẽ tăng đến mức nào", ông Đỗ Hà Nam cho biết.
Vụ có sản lượng lớn nhất là vụ Đông Xuân đã qua rồi, nên tổng sản lượng để xuất khẩu năm nay sẽ giảm. Trong khi cung không đủ cầu nên doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Thực tế, hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions (Hoa Kỳ) dự báo thị trường gạo thế giới dự kiến sẽ thiếu hụt nguồn cung lên tới 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022/2023 - mức thiếu hụt cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dự báo, hiện cung ít hơn cầu nên giá dự báo còn tăng mạnh. Rất có thể giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới sẽ một lần nữa chạm mốc 1.000 USD/tấn.
Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho hay, trước thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tạm ngưng chào giá hợp đồng mới để tập trung lo cho các hợp đồng đã ký trước đó.
Động thái của Ấn Độ xuất hiện cùng với nguồn cung trên thế giới gần đây hạn chế, nên nhiều khách hàng chuyển sang đặt hàng gạo Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Thành, hiện các doanh nghiệp đang tập trung trả hàng cho các đơn hàng đã ký. Mặt khác, giá lúa mua vào đang tăng cao nên nhiều doanh nghiệp e ngại vì giá gạo xuất khẩu chưa theo kịp.
Ông Thành cho rằng, động thái của Ấn Độ trước mắt mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp có hàng tồn kho, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro đối với doanh nghiệp không có hàng. “Cũng chưa biết chính sách của Ấn Độ kéo dài bao lâu, nếu mua vào nhiều để đó rồi bất ngờ Ấn Độ dỡ thông báo, lúc đó đổ xô bán tháo bán lỗ”, ông Nguyễn văn Thành dự báo.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Hà Nam cho biết, giá lên rồi sẽ phải xuống, khi giá xuống nếu doanh nghiệp không kịp thời đẩy mạnh bán ra thì sẽ có nhiều rủi ro. Trước mắt các doanh nghiệp nên mua hàng trước rồi mới bán. Điều này vừa có lợi cho nông dân khi vào chính vụ thu hoạch, vừa giúp doanh nghiệp giảm bớt rủi ro.
Theo số liệu sơ bộ Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2023 cả nước xuất khẩu 249.273 tấn gạo, kim ngạch đạt 135,45 triệu USD. Từ đầu năm đến 15/7, cả nước xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 28% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Do kim ngạch tăng trưởng cao hơn lượng nên trị giá bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu năm nay cũng cao hơn cùng kỳ 2022. Cũng tính đến ngày 15/7, trị giá bình quân đạt hơn 530 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 490 USD/tấn. |
Hà Duyên
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|