Giá gạo xuất khẩu - Một tuần biến động mạnh

(Banker.vn) Giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung trên thế giới đã biến động theo hướng tăng mạnh trong tuần này, trong đó gạo Thái Lan tăng cao nhất.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang có mức cao nhất thế giới Lúa gạo Việt liên tục đón tin vui

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần từ 27/11 đến 2/12, giá gạo của các nguồn cung trên thế giới gồm Việt Nam, Thái Lan, Pakistan đã có điều chỉnh mạnh.

Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam sau thời gian dài vững giá ở mốc 658-662 USD/tấn, đã tăng nhẹ 5 USD trong tuần này, lên mốc 663-667 USD/tấn - và là giá cao nhất trong các nước xuất khẩu.

Tương tự, gạo cùng phẩm cấp Thái Lan đã điều chỉnh tăng mạnh 26 USD/tấn trong tuần này (theo VFA), lên mốc 632-636 USD/tấn. Còn theo các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, gạo loại 5% tấm của nước này đang ở mốc 640 USD/tấn - tức là đã tăng mạnh khoảng 34 USD.

Giá gạo xuất khẩu - Một tuần biến động mạnh
Giá gạo thế giới biến động mạnh trong tuần

Ngoài ra, 2 chủng gạo khác của Thái Lan gồm gạo 25% và 100% tấm cũng điều chỉnh tăng. Trong đó, gạo 25% tấm của Thái Lan đang ở mốc 575 USD/tấn (tăng khoảng 17 USD) và gạo 100% ở mốc 491 USD/tấn (tăng 9 USD).

Gạo của Pakistan cũng có một tuần biến động theo hướng tăng mạnh. Theo đó, gạo 5% tấm của nước này hiện có giá 598 USD/tấn (tăng 15 USD/tấn), gạo 25% tấm có giá 528 USD/tấn (tăng 25 USD/tấn).

Về nguyên nhân giá gạo biến động theo hướng tăng mạnh trong tuần, theo VFA, hiện nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu lớn. Cụ thể, Brazil đã đạt thỏa thuận mua 60.000 tấn gạo từ Thái Lan. Hay với Philippnines mới đây đã yêu cầu các thương nhân mua thêm 1 triệu tấn gạo trong vòng 1 tháng để tăng nguồn cung trong nước. Nếu các thương nhân không nhập khẩu số lượng lớn trong vòng 30 ngày sẽ bi đưa vào danh sách đen.

Một quốc gia khác là Đông Timor cũng đã ký Biên bản ghi nhớ về buôn bán gạo với Chính phủ Campuchia để nhập khẩu khoảng 4.000 tấn gạo từ Campuchia; Sri Lanka đã phê duyệt nhập khẩu gạo Keeri Samba để giải quyết nguồn cung không đủ.

Nguyên nhân thứ hai tạo áp lực tăng giá gạo thế giới là do nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng cho đến hết năm 2024.

Đối với Thái Lan, do đồng baht Thái tăng giá hơn 2% so với đồng USD trong khi nguồn cung gạo trắng xay xát trong nước bị hạn chế do các kho nội địa đang tập trung chân hàng cho những hợp đồng chuẩn bị giao trong tháng 12/2023. Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Gạo Thái Lan gần đây cũng nâng giá hướng dẫn nội địa đối với gạo trắng 5% tấm và gạo đồ - góp phần gây áp lực tăng giá lên giá chào gạo xuất khẩu.

Tương tự Thái Lan, các kho trong nước của Pakistan hiện đang tập trung làm hàng cho các đơn giao vào tháng 12/23 (chủ yếu là đi Philippines, Indonesia và Kenya) nên giá gạo nguyên liệu 5% tấm giao dịch ở mức cao. Trong khi đó, phân khúc gạo trắng 25% tấm và gạo 100% tấm cũng vững giá nhờ nhu cầu từ châu Phi hỗ trợ.

Riêng Việt Nam, theo các thương nhân xuất khẩu, giá chào bán gạo của Việt Nam tiếp tục vững giá và tăng nhẹ do nguồn cung trong nước có phần hạn chế. Bên cạnh đó, giá nội địa hiện cũng ở mức cao, áp lực lên giá xuất khẩu, buộc các doanh nghiệp phải chào bán ở mức cao mới có lãi.

Ngọc Thùy

Theo: Báo Công Thương