Giá gạo xuất khẩu có khả năng vượt mốc 600 USD/tấn

(Banker.vn) Tính đến ngày 03/08 giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta tiếp tục tăng lên mức 598 USD/tấn và sắp có khả năng vượt mốc 600 USD/tấn.
Giá lúa gạo hôm nay ngày 27/7/2023: Giá gạo xuất khẩu liên tục “nhảy múa” Giá lúa gạo hôm nay ngày 4/8/2023: Lúa Hè thu tiếp tục biến động mạnh

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày 03/08, giá gạo thô kỳ hạn tháng 9 trên Sở Chicago tăng 0,91% lên 316,52 USD/tấn, ghi nhận ngày tăng giá thứ 3 liên tiếp.

Giá gạo xuất khẩu có khả năng vượt mốc 600 USD/tấn
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng

Tại thị trường châu Á, giá lúa gạo vẫn liên tục nối dài xu hướng tăng ngay cả khi đã chạm đỉnh cao nhất 2 năm.

Đối với giá gạo xuất khẩu của Việt Nam, tính đến ngày 03/08, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta tiếp tục tăng lên mức 598 USD/tấn; tuy thấp hơn 27 USD/tấn so với gạo cùng loại từ Thái Lan, nhưng cao hơn đến 65 USD/tấn so với gạo Pakistan và thậm chí bỏ xa hơn 100 USD/tấn so với mức 493 USD/tấn của gạo Ấn Độ. Như vậy, so với hồi đầu tháng 7, giá gạo 5% tấm Việt Nam xuất khẩu đã tăng vọt 85 USD trên mỗi tấn và đang trên đà vượt mốc 600 USD/tấn.

Còn đối với gạo 25% tấm, sau nhiều lần điều chỉnh tăng liên tiếp với biên độ rộng lên đến 20 USD/tấn, giá xuất khẩu của nước ta cũng đã bỏ xa các đối thủ cùng khu vực, hiện dẫn đầu với mức 578 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan 10 USD/tấn và cao hơn tới 105 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu

Trên thị trường nội địa, trong 1 tuần tính từ ngày 20/07 – 27/07, giá gạo xát trắng loại 1 trong nước đã tăng mạnh 963 đồng/kg lên mức bình quân 12.500 đồng/kg, giá cao nhất ghi nhận lên tới 12.950 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá gạo 25% tấm cũng tăng 692 đồng/kg, bình quân đạt 11.758 đồng/kg.

Giá gạo xuất khẩu có khả năng vượt mốc 600 USD/tấn

Khảo sát trên thị trường hàng thực, tại miền Tây, giá lúa tại ruộng nhiều ngày qua cũng liên tục được đẩy cao, hiện dao động 7.000 - 7.200 đồng một kg. Khu vực miền Bắc và Tây Nguyên giá lúa lên đến 9.000 đồng.

Nhu cầu tích trữ tăng cao trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết, giá gạo tăng mạnh những ngày qua phản ánh nhu cầu tích trữ đang gia tăng nhanh chóng. Trong bối cảnh vấn đề an ninh lương thực toàn cầu vốn rất nhạy cảm, nhà cung cấp lúa gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ triển khai chính sách hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung lương thực chính trở nên sâu sắc. Hơn nữa, Chính phủ Thái Lan mới đây đã kêu gọi nông dân giảm diện tích trồng lúa để tiết kiệm nước do hiện tượng El Nino gây hạn hán. Điều này khiến an ninh lương thế giới càng bị đe dọa hơn.

Trước hiện trạng này, vị thế của Việt Nam trên thị trường cung ứng lúa gạo được đặc biệt quan tâm. Giai đoạn gần đây, nhiều đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến các doanh nghiệp trong nước để hỏi mua gạo. Điều này đã đẩy giá lúa gạo, đặc biệt là lúa gần ngày cắt liên tục được đặt cọc với giá cao. Đây có thể được coi là thời điểm vàng để nông dân có lãi lớn và các doanh nghiệp có thêm các hợp đồng quy mô lớn, lâu dài.

Trên thực tế, khác với nhiều mặt hàng nguyên liệu sản xuất công nghiệp hay các mặt hàng mang tính chất đầu tư, không thiết yếu, nhu cầu tiêu thụ đối với lương thực sẽ liên tục gia tăng, trong khi năng lực cung ứng phải không ngừng mở rộng cùng chiều mới có thể đáp ứng.

Ông Phạm Quang Anh nhận định, giá lúa gạo thế giới cũng như Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trong thời gian tới, thậm chí còn có thể tiệm cận mức 1.000 USD như kịch bản hồi năm 2008.

Tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo song cần đảm bảo an ninh lương thực

Sáng 4/8, tại TP. Cần Thơ, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm tăng mạnh cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực, đúng hướng, giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm gạo Việt Nam. Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo của nước ta đều ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ rõ hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta thời gian qua cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế và những vấn đề đặt ra cần tập trung xem xét, giải quyết.

Cụ thể, thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu tập trung vào một số thị trường truyền thống, trọng điểm; chưa chú trọng khai thác các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng. Công tác quy hoạch vùng trồng và định hướng tổ chức sản xuất lúa/gạo còn hạn chế; chưa thực sự phù hợp với tín hiệu của thị trường. Việc thực hiện liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà sản xuất – Ngân hàng) trong sản xuất nông nghiệp chưa tốt, vì vậy vẫn còn tình trạng sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hiệu quả thấp.

Việc tạo lập, phát triển các cơ chế liên kết, hợp tác giữa các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo với người sản xuất chưa được chú trọng, vì vậy chưa bảo đảm được nguồn hàng ổn định và có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.

Đặc biệt, tình hình sản xuất và thương mại lương thực toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố, tình hình địa chính trị, địa kinh tế trong khu vực và thế giới. Giá gạo toàn cầu đã tăng mạnh, đạt mức giá cao nhất trong 11 năm qua, mang lại những cơ hội và thách thức đan xen cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo của Việt Nam.

“Việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương