Nguyên nhân khiến giá gạo Việt "một mình một chợ" Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang có mức cao nhất thế giới Gạo Việt tiếp tục “sốt giá” khi tăng lên mốc 663 USD/tấn |
Giá gạo khó “hạ nhiệt”
Theo báo cáo Triển vọng hàng hóa toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây, giá gạo trung bình toàn cầu năm 2023 cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Lý giải điều này, WB cho biết, một phần do mối đe dọa từ El Nino cũng như phản ứng chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu gạo lớn trên thế giới.
Thật vậy, yếu tố đầu tiên có thể xét tới là Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, mặc dù đang tập trung cao độ cho sản xuất nhưng tình trạng của cây lúa vụ này rất khó dự đoán do mưa trong mùa mưa không đồng đều.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục đứng trước các cơ hội lớn |
Có nhiều dự báo khác nhau về sản lượng gạo của nước này sụt giảm, trong đó có dự báo giảm tới 8% so với mức kỷ lục năm ngoái - dù diện tích trồng lúa của nước này đã tăng. Điều này làm tăng khả năng Chính phủ Ấn Độ phải kéo dài chính sách hạn chế xuất khẩu gạo để ngăn lạm phát giá lương thực trước cuộc bầu cử.
Thậm chí, Ấn Độ còn đang có kế hoạch gia hạn chương trình ngũ cốc thực phẩm miễn phí thêm 5 năm để bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá ngũ cốc tăng trước cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới. Việc gia hạn sẽ mang lại trợ giúp cho người tiêu dùng nhưng cũng sẽ dẫn đến chi tiêu của chính phủ cao hơn và yêu cầu New Delhi phải mua thêm lúa mì và gạo từ nông dân để duy trì chương trình phúc lợi, cung cấp ngũ cốc miễn phí cho hơn 800 triệu người.
Đối với nguồn cung từ Thái Lan, Ủy ban Chính sách lúa gạo quốc gia do Thủ tướng Srettha Thavisin chủ trì đã yêu cầu Bộ Thương mại tiếp tục cải thiện và hoàn chỉnh các chính sách ổn định giá gạo cho vụ thu hoạch 2023/2024.
Chính phủ Thái Lan sẽ hỗ trợ tín dụng và lãi suất cho doanh nghiệp và nông dân tạm trữ lúa gạo lại từ 1 - 5 tháng thay vì bán ngay sau khi thu hoạch. Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đánh giá nhu cầu gạo vẫn tiếp tục mạnh mẽ, đặc biệt từ thị trường Indonesia.
Đối với các quốc gia nhập khẩu, ngày 6/11, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết, chính phủ nước này đang lên kế hoạch ấn định hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 ở mức 2 triệu tấn, giảm so với mức 3,8 triệu tấn của năm nay. Thư ký Bulog, ông Awaludin Iqbal nhấn mạnh số lượng gạo nhập khẩu năm tới sẽ phụ thuộc vào cung và cầu trong nước.
Còn với Philippines, trong báo cáo mới nhất về tình hình thương mại thế giới, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong giai đoạn 2023 - 2024 là khoảng 3,8 triệu tấn. Với mức dự báo này, Philippines có thể vượt qua Trung Quốc để trở thành nước nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới.
Cơ hội cho gạo Việt
Trong bối cảnh nói trên, các ý kiến cho rằng đây sẽ tiếp tục là cơ hội cho gạo Việt. Theo đó, trong năm 2023 Việt Nam được dự báo sẽ xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi của xuất khẩu gạo của nước ta. Về triển vọng năm 2024, theo các chuyên gia phân tích, giá gạo sẽ tiếp tục ở mức cao và ở mức dưới 700 USD/tấn.
Việc giá gạo Việt giữ ở mức cao được các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, các thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Indonesia, Philippines rất chuộng gạo của Việt Nam.
“Người tiêu dùng đã quen ăn các chủng loại gạo do Việt Nam cung cấp là gạo chất lượng cao và thơm nhẹ, trong khi đây là phân khúc khác biệt của Việt Nam, tức nằm trên phân khúc gạo cấp thấp, nhưng nằm dưới phân khúc gạo thơm Hom Mali của Thái Lan nên có khả năng cạnh tranh rất tốt, nhất là về giá bán”- Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết.
Cập nhật mới nhất từ VFA cho thấy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam sau khi tăng lên mức 663 USD/tấn đã giảm 10 USD/tấn, xuống còn 653 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 6/11. Với mức giá trên, gạo Việt Nam tiếp tục giữ vững ngôi đầu thế giới, đứng sau Việt Nam là gạo 5% tấm của Pakistan khi ở mức 568 USD/tấn và thứ 3 là gạo Thái Lan với giá 562 USD/tấn. |
Mai Ca
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|