Giá gạo thế giới đột ngột giảm mạnh 40 USD/tấn, gạo Việt vẫn giữ mức cao

(Banker.vn) Ngày 3 và 4/10, các nguồn cung xuất khẩu gạo tại châu Á đã điều chỉnh giảm mạnh tới 40 USD/tấn. Riêng gạo của Việt Nam vẫn duy trì giá cũ.
Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng trở lại Giá gạo xuất khẩu sẽ diễn biến ra sao trong các tháng tới?

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch ngày 4/10, giá gạo của một số nguồn cung tại châu Á là Thái Lan và Pakistan đã đột ngột điều chỉnh giảm mạnh.

xuất khẩu gạo
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng lên con số cao kỷ lục khi đạt 3,66 tỷ USD

Cụ thể, gạo Thái Lan điều chỉnh giảm từ 3-4 USD/tấn cho cả 3 loại 5%, 25% và 100% tấm. Sau khi điều chỉnh, gạo 5% tấm của nước này còn 586 USD/tấn (giảm 4 USD/tấn), gạo 25% tấm ở mức 538 USD/tấn (giảm 3 USD/tấn), gạo 100% tấm còn 461 USD/tấn (giảm 4 USD/tấn).

Gạo của Pakistan điều chỉnh giảm mạnh từ 5-30 USD/tấn. Trong đó gạo 5% tấm giảm mạnh 30 USD/tấn, xuống còn 558 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 20 USD/tấn, còn 498 USD/tấn và gạo 100% tấm giảm 5 USD/tấn, còn 478 USD/tấn. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 3/10, nước này cũng điều chỉnh giảm 10 USD/tấn cho cả 2 loại 5% và 25% tấm. Như vậy chỉ trong vòng 2 ngày, gạo của Pakistan đã giảm tới 40 USD/tấn.

Riêng gạo của Việt Nam vẫn giữ nguyên mức giá 613-617 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 598-602 USD/tấn với gạo loại 25% tấm.

Với mức điều chỉnh như hiện nay, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục cao hơn 27 USD/tấn so với Thái Lan và cao hơn 55 USD/tấn so với gạo cùng loại của Pakistan.

Lý giải việc giá gạo các nước điều chỉnh giá thời điểm này, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty Vrice cho rằng, các nước giảm giá nhằm thu hút khách hàng cuối năm, đồng thời đàm phán cho các hợp đồng giao đầu năm 2024. Việc giảm này cũng có thể do các nước e ngại Ấn Độ có thể mở lại hoạt động xuất khẩu gạo sau ngày 15/10, từ đó tranh thủ giải phóng hàng tồn kho.

Cũng nêu quan điểm về giá gạo hiện nay, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An- cho biết: Giá gạo thế giới và Việt Nam hạ nhiệt so với cuối tháng 8 nhưng sẽ khó giảm sâu vì nhu cầu thị trường rất lớn. Thêm vào đó, việc giá gạo của các nước thấp hơn nhiều so với Việt Nam một phần do gạo của Việt Nam hiện có chất lượng cao. Do vậy, trong thời gian từ nay đến cuối năm có thể giá gạo của Việt Nam vẫn giữ nguyên ở mức cao chứ không giảm thêm.

“Mới đây khi Indonesia mở thầu nhập khẩu 300.000 tấn gạo, doanh nghiệp Việt Nam đã trúng thầu 50.000 tấn với mức giá 650 đô la Mỹ/tấn- cao hơn các đối thủ. Điều này cho thấy, dù giá gạo của Việt Nam cao hơn nhưng vẫn được người tiêu dùng chấp nhận vì đảm bảo chất lượng cũng như có điều kiện địa lý vận chuyển gần”- ông Bình phân tích.

Liên quan đến đơn hàng trong thời gian tới, ông Bình cho biết trong tháng 10 và 11/2023, Trung An dự kiến giao khoảng 20.000 tấn gạo chất lượng cao cho các nhà nhập khẩu. Do là gạo chất lượng cao nên giá vẫn khá ổn định, trong đó chỉ riêng gạo lức đang được bán ở mức 674 USD/tấn, còn gạo trắng khoảng 700 USD/tấn.

Tương tự, theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc của Lộc Trời, doanh nghiệp đã ký đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Đồng thời, dự kiến trong tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2023 Lộc Trời sẽ tổ chức bán hàng cho cả năm sau.

Theo cập nhật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt giá trị 490 triệu USD và đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng lên con số cao kỷ lục 3,66 tỷ USD. Sản lượng xuất khẩu 9 tháng của năm 2023 đạt 6,6 triệu tấn.

Việc xuất khẩu gạo đạt kết quả này nhờ đã tận dụng tốt cơ hội thị trường trong tháng 8 và 9/2023. Cụ thể trong tháng 8, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 950.000 tấn với giá trị 553 triệu USD. Trong tháng 9, Việt Nam tiếp tục xuất khẩu khoảng 800.000 tấn gạo với giá trị khoảng 490.000 USD. Việt Nam trở thành nguồn cung gạo lớn nhất thế giới trong 2 tháng này.

Trong suốt giai đoạn trên, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam dao động trong khoảng từ 620 - 645 USD/tấn, ngoài ra gạo phẩm cấp thấp hơn là 25% tấm cũng có lúc lên tới mức 623 USD/tấn.

Mai Ca

Theo: Báo Công Thương