Giá gạo tăng từng giờ: Doanh nghiệp không đầu cơ, găm hàng

(Banker.vn) Cung ít hơn cầu, diễn biến giá gạo tăng là không quá bất ngờ. Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến cáo kịp thời nên không có tình trạng đầu cơ, găm hàng.
Giá lúa gạo hôm nay ngày 12/8/2023: Giá gạo trong nước tiếp đà giảm Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo theo hướng tăng trưởng bền vững Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ trục lợi ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo

Giá gạo tăng từng giờ

Sáng 13/8/2023, phóng viên Báo Công Thương có mặt tại một số điểm chuyên bán gạo lẻ và sỉ tại Hà Nội. Biển giá gạo mới cứng đã được thay cho các tấm biển cũ. Giá gạo các loại đều được điều chỉnh tăng từ 1.000 – 2.000 đồng/kg.

Người dân Hà Nội mua gạo tại một đại lý trên đường Kim Ngưu (ảnh Nguyễn Hạnh)

Người dân Hà Nội mua gạo tại một đại lý trên đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Theo các tiểu thương, giá gạo xuất khẩu tăng nên đẩy giá gạo trong nước tăng theo. Giá nhập vào tăng thì đồng nghĩa giá gạo bán ra phải tăng. Nhưng khách hàng đến với đại lý, cửa hàng đều là khách quen, nên mức tăng cũng chỉ cầm chừng.

Theo các đại lý, trong bối cảnh giá gạo trong nước tăng, họ cũng chỉ mua lượng vừa đủ để bán chứ không dám “ôm hàng” bởi nếu giá gạo thời gian tới chững lại hoặc xuống thấp thì sẽ không ai bù lỗ cho tiểu thương.

Giá gạo tăng từng giờ: Doanh nghiệp không đầu cơ, găm hàng

Giá gạo tại một đại lý trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng), cập nhật ngày 13/8/2023 (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Do là điểm bán lẻ và sỉ, lại là ngày Chủ Nhật (ngày 13/8/2023), nên điểm bán hàng trên con phố Kim Ngưu khách hàng ra vào nườm nượp. Mua túi gạo ST25 (loại 10kg) và túi gạo tám Điện Biên (loại 10kg). Chị Thu Hoa (đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: “Mấy bữa trước tôi mua gạo ST25 giá 200.000 đồng/10kg thì nay tăng lên 220.000 đồng/10kg, còn giá gạo tám Điện Biên trước là 146.000 đồng/10kg thì nay lên 160.000 đồng/10kg. Tuy nhiên, điểm bán này giá còn “mềm” hơn so với nhiều nơi khác”.

hóa đơn thanh toán của người dân tại địa lý

Hóa đơn thanh toán của người dân (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Còn tại hệ thống các siêu thị như WinMart+, BigC Thăng Long,… giá gạo ổn định. Một số mặt gạo cao cấp còn đang được áp dụng chế độ khuyến mại, giảm giá. Như tại siêu thị WinMart Đại La, thương hiệu Ngọc Nương ST25 túi 3kg được bán với giá 79.000 đồng thay vì giá niêm yết là 105.000 đồng; tương tự, Ngọc Nương ST25 đặc sản túi 3kg được bán với giá 89.000 đồng thay vì mức giá 117.000 đồng trước đó.

gạo bán tại siêu thị Winmart+ Đại La
Gạo bán tại siêu thị WinMart Đại La

Không có đầu cơ, găm hàng

Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, giá gạo trong nước tăng do 3 yếu tố. Thứ nhất là do yếu tố tâm lý. Thứ hai, tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2023 lương cơ bản tăng khiến nhiều mặt hàng tăng trong đó có mặt hàng gạo. Thứ ba, gạo được “hút” vào xuất khẩu, thì đồng nghĩa lượng gạo tại các đại lý sẽ ít đi và đẩy giá trong nước tăng.

“Giá gạo tăng là có, nhưng không có tình trạng đầu cơ, găm hàng”, ông Thủy nhận định và cho hay, hiện số lượng các đại lý gạo là rất nhiều. Việc đầu cơ, găm hàng đòi hỏi phải có hệ thống nhà kho, bảo quản. Việc này với doanh nghiệp đã khó, đối với các đại lý lại càng khó hơn. Bên cạnh đó, những khuyến cáo của các cơ quan chức năng, trong đó, có Bộ Công Thương cũng đã liên tục được đưa ra.

Câu chuyện về giá gạo “nóng” từ đầu tuần cuối tháng 7/2023 khi một số nước đưa ra thông tin về cấm xuất khẩu gạo, trong đó, đáng chú ý là Ấn Độ khi thị trường này chiếm 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu.

Ngay khi ghi nhận những biến động của tình hình thì trường lúa gạo thế giới, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc đề nghị doanh nghiệp không mua gom ồ ạt lúa gạo. Theo đó, đề nghị các doanh nghiệp có phương án về nguồn hàng lúa gạo, đảm bảo cung ứng cho thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn duy trì lượng lúa gạo dự trữ bình ổn thị trường theo quy định để sẵn sàng cung ứng ra thị trường khi cần thiết; thực hiện thu mua giao hàng theo tiến độ hợp lý và cân đối lượng xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cũng lưu ý, các doanh nghiệp tránh mua gom ồ ạt gây bất ổn thị trường, mất cân đối cung cầu cục bộ đẩy giá lúa gạo trong nước tăng bất hợp lý.

Sau công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường lúa gạo, Hội nghị Sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì đã được diễn ra tại Cần Thơ – một trong những vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long.

“Việc tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và mở rộng thị trường tiềm năng cần khẩn trương, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhấn mạnh tại Hội nghị.

Đáng chú ý, ngày 5/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Trong đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch UBND chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục