Giá gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn cùng kỳ năm trước 60 USD/tấn

(Banker.vn) Gần 1 năm sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện tại cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 60 USD/tấn.
Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, gạo Việt sẽ chịu tác động về giá nhiều hơn lượng Việt Nam đã chi gần 700 triệu USD để nhập khẩu gạo

Chính phủ Ấn Độ tăng giá thu mua gạo

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, ngày 19/6, Bộ trưởng Thông tin và Phát thanh Ấn Độ Ashwini Vaishnaw - cho biết, Ấn Độ sẽ tăng giá ấn định của Chính phủ đối với gạo, đậu tương và bông, trong đó giá mua lúa vụ mới tăng thêm 5,4% lên 2.300 rupee (tương đương 27,57 USD)/100 kg.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện tại cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 60 USD/tấn
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện tại cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 60 USD/tấn

Hàng năm, Ấn Độ đều tăng giá hỗ trợ các mặt hàng chủ lực như gạo và lúa mì để xây dựng kho dự trữ nhằm thực hiện chương trình phúc lợi lương thực cung cấp ngũ cốc miễn phí cho người nghèo. Các nhà kinh tế cho rằng việc tăng giá này có thể ảnh hưởng đến tài chính của chính phủ và cũng làm tăng lạm phát lương thực.

Trong khi đó, ông BV Krishna Rao - Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ - cho biết, giá mua lúa tăng lên sẽ khuyến khích nông dân tăng sản lượng sản xuất gạo và chính phủ có thể xem xét nới lỏng lệnh cấm đối với xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ khiến gạo Ấn Độ trở nên đắt hơn.

Với mặt hàng gạo, hiện giá gạo của Ấn Độ đã tăng cao nhất trong ba tháng, trong đó giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng giá từ mức 539 - 546 USD/tấn lên 544 - 552 USD/tấn so với trước đó. Tuy nhiên, giá gạo của Ấn Độ vẫn rẻ hơn so với các nước khác (Việt Nam, Thái Lan) và nhu cầu mua gạo Ấn Độ của các nước vẫn lớn và tiếp tục tăng.

Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, để tăng tính cạnh tranh của gạo Ấn Độ, các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ mong muốn Chính phủ giảm thuế xuất khẩu từ 20% xuống 15% và cho phép xuất khẩu gạo tấm và gạo trắng trở lại. Ấn Độ đã áp thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ sau khi cấm xuất khẩu gạo trắng vào năm ngoái.

Trong khi đó, Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA) gửi thư kiến nghị Chính phủ không gia hạn lệnh cấm xuất khẩu cám gạo tách dầu sau ngày 31/7. Trước đó, Chính phủ Ấn Độ ra quyết định cấm xuất khẩu cám gạo tách dầu từ ngày 28/7/2023, kéo dài đến ngày 31/3/2024, sau đó gia hạn đến ngày 31/7/2024.

Tuy nhiên hiện nay, giá cám gạo tách dầu hiện đang ở mức thấp và có khả năng giảm tiếp do nguồn cung đã được cải thiện. Hiện, giá đã giảm giá từ 18.000 Rupi/tấn (tháng 7-2023) xuống còn 12.500 Rupi/tấn. Việc hạn chế xuất khẩu nếu tiếp tục duy trì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà chế biến, xuất khẩu cũng như thu nhập của người nông dân.

Do đó, Hiệp hội các nhà chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA) gửi thư kiến nghị Chính phủ không tiếp tục gia hạn lệnh cấm xuất khẩu cám gạo tách dầu. Ông Ajay Jhunjhunwala -Chủ tịch SEA, cho biết tổng lượng xuất khẩu cám gạo tách dầu chỉ chiếm khoảng 6% sản lượng của Ấn Độ, chủ yếu xuất khẩu sang các nước Việt Nam, Thái Lan và các nước châu Á.

Giá gạo 5% tấm đang cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 60 USD/tấn

Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 4,7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 3 tỉ USD, tăng 10,4% về lượng và tăng đến 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, nhờ giá xuất khẩu duy trì ở mức cao.

Mặt bằng giá gạo xuất khẩu đã tăng kể từ ngày 20/7/2023, khi Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng 5% tấm để đảm bảo an ninh lương thực và bình ổn giá gạo nội địa. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện tại cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 60 USD/tấn; còn sản lượng xuất khẩu tăng mạnh ngay từ đầu năm và đạt con số cao kỷ lục.

Sắp tròn một năm sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, điều các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam quan tâm lúc này đó là nếu Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo thì hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng.

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nếu Ấn Độ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ khiến nguồn cung trên thị trường thế giới tăng nên giá sẽ giảm. Tuy nhiên, trong trường hợp đó khả năng họ sẽ xả kho dự trữ và bán gạo cho các thị trường truyền thống như châu Phi, Trung Đông, nên không ảnh hưởng nhiều đến các thị trường truyền thống của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là giai đoạn nhạy cảm, các doanh nghiệp cũng không nên chủ quan.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – đánh giá, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% sản lượng. Do đó, tất cả các động thái, quyết định liên quan đến xuất khẩu gạo của nước này đều có tác động đến tất cả các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam và Thái Lan, đây là những nước nước xuất khẩu gạo lớn.

Theo đó, ảnh hưởng đầu tiên đó là nhu cầu sản lượng nhập gạo của các đối tác của Việt Nam. Khi các đối tác có thêm lựa chọn từ nhà cung cấp Ấn Độ, gạo của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh, có thể sản lượng sẽ ít đi. Tác động thứ hai đó là giảm giá gạo xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Như Cường, qua theo dõi tình hình hiện nay, nhu cầu gạo của thế giới vẫn cao và sản lượng không phải là quá dư thừa nên nếu Ấn Độ có gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng thì cũng ít ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục