Giá đường trắng tiếp tục tăng nhẹ

(Banker.vn) Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) thông tin, giá đường trắng ghi nhận mức tăng 0,3% trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 4/9).
Giá đường trắng cao nhất trong 12 năm Lo ngại nguồn cung thiếu hụt, giá đường liên tục bị đẩy lên cao

MXV cho rằng, thị trường vẫn neo theo lo ngại thâm hụt cán cân cung cầu đường và nguy cơ cấm xuất khẩu đường vụ mới từ Ấn Độ.

Giá đường trắng tiếp tục tăng nhẹ
Giá đường trắng tăng nhẹ

Lượng mưa dưới mức bình thường do ảnh hưởng tại El Nino có thể khiến sản lượng đường sụt giảm mạnh tại Thái Lan và Ấn Độ, giới quan sát nhận định. Trong khi đó, nhu cầu về đường vẫn duy trì ổn định, kéo theo khả năng thiếu hụt nguồn cung đường trên phạm vi toàn cầu trong niên vụ 2023/24.

Giá đường trắng tiếp tục tăng nhẹ
Sản lượng lũy kế từ đầu vụ, ngành mía đường đã ép được 9,7 triệu tấn mía, sản xuất được 941.373 tấn đường các loại

Trong bối cảnh này, sản lượng thấp tại Ấn Độ cũng làm tăng khả năng nước này cấm xuất khẩu đường trong niên vụ mới từ tháng 10. Lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung đường càng trở nên sâu sắc hơn.

Tại thị trường nội địa, cuối tháng 8/2023, nhiều doanh nghiệp đã nâng giá bán đường lên thêm 4.000-5.000 đồng/kg, đạt ngưỡng 25.000 đồng/kg, thậm chí có công ty công bố giá đường kính trắng là 26.000 đồng/kg và đường tinh luyện là 27.000 đồng/kg.

Do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, đầu tháng 8, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA) có văn bản gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ, ngành liên quan kiến nghị việc cho phép nhập khẩu thêm 600.000 tấn đường để sử dụng cho nhu cầu trong nước.

Trao đổi về kiến nghị này, ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng thông tin FFA đưa ra là không đầy đủ và giữ quan điểm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường 2023 là 119.000 tấn theo cam kết WTO (đấu giá vào tháng 9-2023). Ông Lộc cho rằng, nếu kiến nghị của FFA được chấp thuận, lượng đường nhập về sẽ tác động khiến nguồn cung dư thừa. Bằng chứng là năm ngoái Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng kiến nghị nhập khẩu 800.000 tấn đường vì lo ngại thiếu đường nhưng thực tế lại không thiếu.

Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 6, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022-2023. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,7 triệu tấn mía sản xuất được 941.373 tấn đường các loại. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2021-2022, sản lượng mía ép đạt 144% và sản lượng đường đạt 136%. Đây đồng thời là niên vụ thứ hai tăng trưởng liên tiếp của ngành đường.

Nói về triển vọng ngành đường từ nay đến cuối năm, VSSA cho rằng thị trường sẽ tiếp tục dư thừa nguồn cung khoảng 289.720 tấn. Tuy nhiên, con số này được thu hẹp so với 395.000 tấn của nhiên vụ trước.

Cụ thể, nhu cầu đường năm nay tương đương hoặc tăng một chút so với cùng kỳ, ở mức 2,35 triệu tấn. Đường xuất khẩu chính ngạch tăng 150% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng nguồn cung đường đạt gần 2,64 triệu tấn, giảm so với mức hơn 2,69 triệu tấn của năm ngoái.

Theo ông Lộc, mức giá đường nội địa đang ở mức cao nên khó có khả năng tăng tiếp từ nay cho đến cuối năm.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương