Giá đường tăng mạnh trước lo ngại Ấn Độ cấm xuất khẩu đường sau 7 năm

(Banker.vn) Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/8, giá đường giao dịch trên các Sở Giao dịch hàng hoá tiếp tục tăng mạnh.
Giá đường thế giới tiếp tục tăng do sản lượng đường ở Ấn Độ giảm và các hạn chế xuất khẩu Giá đường tăng cao kỷ lục, sao doanh nghiệp vẫn than khó? Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 25/8/2023: Giá dầu hồi phục, giá đậu tương tiếp tục tăng, giá đường tăng cao

Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc phiên giao dịch ngày 25/8 (sáng 26/8, giờ Việt Nam), giá hai mặt hàng đường tiếp tục tăng mạnh so với mức chênh lệch so với tham chiếu lần lượt là 2,22% của đường 11 và 2,31% của đường trắng. Thị trường vẫn tiếp tục hoang mang trước khả năng Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới có thể ngưng xuất khẩu mặt hàng này sau 7 năm.

Giá đường tăng mạnh trước lo ngại Ấn Độ cấm xuất khẩu đường sau 7 năm
Giá đường tăng sau khi Ấn Độ dự định ngừng xuất khẩu (Nguồn: Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam)

Sản lượng đường trong niên vụ 2023 – 2024 của Ấn Độ vốn được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo ở mức thấp do ảnh hưởng xấu từ El Nino. Việc xem xét cấm xuất khẩu đường trong niên vụ mới càng làm dấy lên lo ngại thiếu hụt nguồn cung khi trước đó, niên vụ 2022-2023, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 6 triệu tấn đường và đỉnh điểm là niên vụ 2021-2022 với 11,2 triệu tấn đường.

Còn tại Việt Nam, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), diện tích trồng và sản lượng mía, sản lượng đường tại Việt Nam niên vụ 2022-2023 có khả năng đều tăng. Dự kiến, diện tích mía đạt 151.305 ha, tăng 3%. Sản lượng mía chế biến đạt 8.764.277 tấn, tăng 16,5%, sản lượng đường đạt 870.930 tấn, tăng 16,6%.

Giá đường tăng mạnh trước lo ngại Ấn Độ cấm xuất khẩu đường sau 7 năm
Sản lượng đường tại Việt Nam niên vụ 2022-2023 đạt 870.930 tấn, tăng 16,6%

Theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong, giá đường thế giới dao động quanh mức 520 USD/tấn trong năm 2023 vì thiếu hụt nguồn cung do yếu tố thời tiết bất lợi tại một số nước xuất khẩu nhiều đường như Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, xung đột Nga - Ukraine và xu hướng tăng sản xuất cồn sinh học từ mía. Dự báo, niên vụ 2023-2024, sản lượng đường cung ứng trên toàn cầu khoảng 178,8 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ khoảng 178,9 triệu tấn.

Giá đường trên thế giới neo ở mức cao đã tác động tích cực đến giá đường trong nước, trong khi tình hình tiêu thụ vẫn khả quan, với triển vọng tăng trưởng kép hàng năm dự kiến đạt khoảng 5% về mặt giá trị trong giai đoạn 2023 - 2028.

Mới đây, Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 1989/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thức nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, Bộ quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với nhóm công ty Công ty Mitr Phol Sugar Corp., Ltd. và 4 công ty liên kết và Công ty Czarnikow Group Limited, nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 5 công ty liên kết.

Mức thuế chống bán phá giá thấp nhất được đưa ra trong quyết định này là 25,73% và cao nhất là 32,75%, còn mức thuế chống trợ cấp cao nhất là 4,65%.

Bộ Công Thương cho biết, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với mía đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

Mức thuế này có hiệu lực từ ngày 18/8/2023 đến 15/6/2026 (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo Quyết định khác của Bộ Công Thương căn cứ trên kết quả rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp theo quy định của pháp luật).

Tháng 6/2021, Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp lên đường mía nhập từ Thái Lan sau một thời gian áp thuế tạm thời. Mức thuế thời điểm đó là 47,64%. Tháng 8/2022, Bộ Công Thương quyết định vẫn giữ mức thuế này.

Kết luận của Cơ quan điều tra vụ việc đã xác định, có tồn tại hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra (sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan), khiến ngành sản xuất ở trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể; có mối quan hệ nhân quả giữa nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thời gian qua, có những giai đoạn, đường phá giá tràn vào Việt Nam khiến doanh nghiệp trong nước phải mua giá mía bằng giá đường, dẫn đến 16 nhà máy phải đóng cửa.

Do đó, khi các hàng rào phòng vệ thương mại được lập ra đã giúp đưa ngành hàng mía đường về trạng thái cân bằng. Chính sách của Bộ Công Thương đã tạo tâm lý yên tâm cho các doanh nghiệp chế biến đường. Dù chưa biết giá đường sẽ biến động ra sao nhưng các doanh nghiệp chế biến đã nâng giá thu mua cho người nông dân.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương