Giá đường neo cao, doanh nghiệp mía đường tăng giá thu mua mía cho bà con

(Banker.vn) Niên vụ 2023 - 2024 dự báo sẽ là một năm thuận lợi cho doanh nghiệp mía đường và bà con trồng mía khi giá đường đang ở mức cao.
Vượt khó, doanh nghiệp mía đường tìm cơ hội trước thềm niên vụ mới “Phao cứu sinh” cho nông dân và doanh nghiệp mía đường

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tháng 10, giá hai mặt hàng đường đồng loạt khởi sắc. Cụ thể, giá đường 11 cao hơn 1,27% và giá đường trắng tăng 1,05% so với tham chiếu. MXV cho biết lo ngại nguồn cung gián đoạn do điều kiện thời tiết là yếu tố chính hỗ trợ giá liên tục neo cao trong thời gian qua.

Cụ thể, giới quan sát cho biết mưa tiếp diễn tại khu vực Trung Nam của Brazil, khiến hoạt động thu hoạch mía đường bị gián đoạn. Tạm thời thiếu hụt nguyên liệu đầu vào khiến hoạt động sản xuất đường bị trì trệ, từ đó sản lượng đường có thể không như mong đợi.

Đồng thời, một cơ quan thương mại hàng đầu từ Ấn Độ cho biết sản lượng đường trong niên vụ 2023/24 tại quốc gia này có thể giảm 8% so với vụ trước do nguồn cung mía bị ảnh hưởng bởi El Nino.

Tại Việt Nam, do ảnh hưởng từ giá đường thế giới, giá đường tiêu dùng trong nước có thời điểm trong tháng 9 và tháng 10 lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg.

Đường phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh lên 22.000 - 23.000 đồng/kg. Theo dự báo, năm nay thế giới sẽ thâm hụt khoảng 2,2 triệu tấn đường do nhiều quốc gia thực hiện chính sách kiểm soát thị trường lương thực.

Còn theo khảo sát mới đây, giá đường bán lẻ cho người tiêu dùng xoay quanh mức 26.000-34.000 đồng/kg (tùy loại) trong khi đường phục vụ sản xuất ở mức từ 22.000-23.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, niên vụ 2023 - 2024 dự báo sẽ là một năm thuận lợi khi giá đường đang ở mức cao.

Giá đường neo cao, doanh nghiệp mía đường tăng giá thu mua mía cho bà con
Giá đường tăng cao là cơ hội để các doanh nghiệp tăng giá thu mua mía cho bà con

Cụ thể, báo cáo thị trường tháng 8/2023 của Tổ chức đường Quốc tế (ISO) cho thấy, trong niên vụ 2022 - 2023 (vừa kết thúc vào tháng 9/2023), sản lượng đường thế giới bị thiếu hụt trên 2 triệu tấn so với nhu cầu. Điều này dẫn tới việc giá đường tăng mạnh trên toàn cầu trong năm nay. Giá đường thế giới tăng có giúp nâng cao giá đường trong nước, cải thiện tình hình hoạt động các nhà máy.

Nhờ giá đường tăng, Ban Thường vụ Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tiến hành thảo luận và thống nhất cao về định hướng phục hồi vùng nguyên liệu mía trong thời gian tới thông qua việc tiếp tục nâng cao giá mua mía cho nông dân so với niên vụ 2022/23. Theo đó, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, trong bối cảnh các chi phí đầu vào tăng cao, các nhà máy đường cần sớm xem xét hiệp thương với nông dân trồng mía và địa phương, tiếp tục điều chỉnh tăng giá mua mía cho vụ mới sắp đến, sao cho giá mua mía bảo đảm người nông dân bù đắp đủ chi phí có thu nhập đủ sống với cây mía, để người nông dân yên tâm phát triển cây mía, phục hồi vùng nguyên liệu.

Giá mía cũng cần xây dựng bảo đảm cho người nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại địa phương, có như vậy người nông dân mới có thể an tâm tiếp tục đồng hành cùng các nhà máy đường trong việc phát triển, phục hồi diện tích trồng mía và ngành mía đường Việt Nam.

Được biết, trong niên vụ 2022 - 2023, ngành mía đường đã ép được hơn 9,6 triệu tấn mía, sản xuất được 935.104 tấn đường các loại, tăng 28% về sản lượng mía ép và tăng 25% về sản lượng đường so với vụ ép mía 2021 - 2022; tăng 43% về sản lượng mía ép và tăng 36% về sản lượng đường so với vụ ép mía 2020 - 2021.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương