Giá đường liên tục tăng mạnh

(Banker.vn) Thống kê của Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV) cho thấy, giá đường đã liên tục tăng trong những ngày qua sau quyết định dự kiến dừng xuất khẩu của Ấn Độ.
Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 25/8/2023: Giá dầu hồi phục, giá đậu tương tiếp tục tăng, giá đường tăng cao Giá đường tăng mạnh trước lo ngại Ấn Độ cấm xuất khẩu đường sau 7 năm

Kết thúc tuần giao dịch 21/8 – 27/8, giá hai mặt hàng đường đồng loạt tăng mạnh với mức tăng lần lượt là 4,50% của đường 11 và 3,26% của đường trắng. Ấn Độ lên kế hoạch cấm xuất khẩu đường trong niên vụ 2023/24, khiến thị trường gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới cho biết, họ đang lên kế hoạch cho việc cấm các nhà máy nước này xuất khẩu đường bắt đầu từ tháng 10 tới. Giới chức trách của Ấn Độ cho biết, hoạt động xuất khẩu đường sẽ phụ thuộc vào tình hình sản xuất đường tại quốc gia này. Được biết, El Nino khiến thời tiết thay đổi, dẫn đến sản lượng đường được dự đoán sẽ sụt giảm mạnh.

Trước đó, các đơn vị phân tích trên thị trường đã đưa lời cảnh báo về việc sản lượng đường sụt giảm tại Ấn Độ và Thái Lan cũng một số quốc gia sản xuất lớn khác có thể khiến cán cân cung – cầu đường niên vụ 2023/24 thâm hụt.

Trong tuần này, thông tin liên quan đến nguồn cung đường tại Ấn Độ và Brazil khả năng cao sẽ tiếp tục là tiêu điểm của thị trường đường, và sẽ là những nhân tố có ảnh hưởng lớn đến diễn biến giá trong tuần.

Giá đường liên tục tăng mạnh
Giá đường đã tăng khá cao thời gian qua

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường thế giới đang tăng khá mạnh, đây được xem là giá cao nhất trong thập kỷ qua. Giá đường thế giới tăng cũng giúp giá đường trong nước tăng theo. Từ đó các nhà máy đường đã tăng công suất sản xuất. Thời gian tới sẽ có thêm một số nhà máy ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung trước đây tạm đóng cửa vì thiếu nguyên liệu sẽ hoạt động trở lại.

Cũng theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, những năm trước do đường nhập lậu tràn vào với số lượng quá lớn, sau đó thêm nguồn đường từ gian lận thương mại đã bóp nghẹt ngành mía đường trong nước, từ hơn 40 nhà máy chỉ còn 24 nhà máy hoạt động, trong đó không ít nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng.

Niên độ tài chính của doanh nghiệp ngành mía đường bắt đầu từ ngày 1/7 năm trước và kết thúc vào ngày 30/6 năm sau. Từ tháng 9/2022, chính sách chống trợ cấp, chống bán phá giá đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã tác động tích cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp mía đường trong nước.

Bức tranh kinh doanh ngành mía đường niên độ 2022-2023 cho thấy, ngành này đang dần phục hồi với sản lượng tiêu thụ và doanh thu tăng. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi còn chậm, áp lực gia tăng chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp đã tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Công Thương Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 1989/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thức nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, Bộ quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với nhóm công ty Công ty Mitr Phol Sugar Corp., Ltd. và 4 công ty liên kết và Công ty Czarnikow Group Limited, nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 5 công ty liên kết. Mức thuế chống bán phá giá thấp nhất được đưa ra trong quyết định này là 25,73% và cao nhất là 32,75%, còn mức thuế chống trợ cấp cao nhất là 4,65%, có hiệu lực từ ngày 18/8/2023 đến 15/6/2026. Đây là quyết định được các doanh nghiệp đánh giá cao.

SSI Research dự báo, giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023, do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam. Bộ Công Thương được kỳ vọng sẽ nâng lượng đường nhập khẩu tối đa theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 để bổ sung nguồn cung đường trong nước, mang lại lợi ích cho các nhà máy đường tinh luyện trong nước nhập khẩu đường thô.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương