Giá đường bật tăng mạnh sau một tuần suy giảm

(Banker.vn) Sau một tuần suy giảm, kết thúc tuần giao dịch 2 - 8/10, giá đường 11 tăng gần 1% và giá đường trắng tăng 0,47% so với tham chiếu.
Lực tăng đã suy giảm, giá đường vẫn bám trụ mức cao nhất trong 12 năm Giá đường quay đầu giảm sau khi chạm mức cao nhất 12 năm

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 2 - 8/10, giá đường nhanh chóng hồi phục sau tuần giảm trước đó. Cụ thể, giá đường 11 tăng gần 1% và giá đường trắng tăng 0,47% so với tham chiếu. Lo ngại sản lượng đường ở mức thấp tại Ấn Độ và Thái Lan có phần lấn át tình hình sản xuất đường tích cực tại Brazil.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo Ấn Độ sẽ chỉ sản xuất được 33,6 triệu tấn đường trong niên vụ 2023 - 2024, thấp hơn mức tiêu thụ của quốc gia này. Đây có thể là nguyên nhân khiến quốc gia này ngưng xuất khẩu đường trong thời gian tới.

Tại Thái Lan, cơ quan này cũng dự đoán sản lượng niên vụ 2023/24 sẽ giảm 15% so với niên vụ trước. Điều này kéo theo xuất khẩu chỉ ở mức 9 - 10 triệu tấn.

Trong khi đó, Brazil đã xuất khẩu 3,21 tấn đường trong tháng 9, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thông tin từ chính phủ nước này.

Giá đường bật tăng mạnh sau một tuần suy giảm
Giá đường thế giới bật tăng mạnh

Ở thị trường nội địa, do ảnh hưởng từ giá đường thế giới, hiện nay giá đường tiêu dùng trong nước lên mức xấp xỉ 28.000 đồng/kg. Đường phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh lên 22.000 - 23.000 đồng/kg.

Trong tháng 6/2023, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022 - 2023. Sản lượng kết thúc vụ đã ép được 9.645.456 tấn mía, sản xuất được 935.104 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2021 - 2022 sản lượng mía ép đạt 128% và sản lượng đường đạt 125%.

So sánh với vụ ép mía 202 – 2021, sản lượng mía ép đạt 143% và sản lượng đường đạt 136%. Sự tăng trưởng sản xuất trong hai vụ liên tiếp cho thấy ngành mía đường Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể dưới tác dụng của các biện pháp phòng vệ thương mại mà nhà nước Việt Nam đã áp dụng từ năm 2021. Tuy nhiên, diễn biến giá đường Việt Nam so với các nước lân cận trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy giá đường Việt Nam luôn ở mức thấp nhất. Như vậy, trong vụ ép 2022 - 2023, ngành đường Việt Nam đã xuất sắc thực hiện mục tiêu kép là nâng giá thu mua mía đến mức tương đương với các nước trong khu vực trong khi vẫn giữ giá đường ở mức thấp nhất.

Niên vụ 2023 - 2024, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2022 - 2023, với tổng công suất thiết kế là 122.200 tấn mía/ngày. Theo báo cáo của các Nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2023 - 2024 sẽ có tăng trưởng so với vụ 2022 - 2023 với diện tích mía thu hoạch (ha) 159.159 ha tăng 112%; sản lượng mía chế biến 10.560.399 tấn tăng 109%; sản lượng đường 1.026.719 tấn tăng 110%.

Để bổ sung thêm lượng đường trong nước, ngày 6/10/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2575/QĐ-BCT về lượng và phương thức phân giao hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2023, Quyết định số 2576/QĐ-BCT về việc thành lập Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá.

Theo đó, năm 2023, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (mã HS 17.01) phân giao theo phương thức đấu giá là 119.000 tấn.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan thống nhất thời điểm tổ chức Phiên phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá, công bố công khai để các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan biết và thực hiện.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương