Giá điện tăng 4,5% nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất

(Banker.vn) Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, giá điện dù được điều chỉnh tăng 4,5% từ 9/11/2023 nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất
Chi tiết biểu giá bán điện cho từng nhóm khách hàng Giá bán lẻ điện sinh hoạt tăng: Gần 1,3 triệu hộ nghèo, hộ chính sách ảnh hưởng không đáng kể Điều chỉnh giá điện được tính toán cẩn trọng, tác động CPI khoảng 0,035%

Theo Quyết định 1416/QĐ-EVN, từ ngày 9/11/2023, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh lên 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tăng 4,5%. Việc điều chỉnh giá điện lần này dựa trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Cụ thể, Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu: “áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” và “xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ của EVN cũng được thực hiện theo Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, tại khoản 5 Điều 3 của Quyết định này quy định: “Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất” và khoản 2 Điều 3: “Trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành”.

Mặc dù năm 2023 đã có 2 lần điều chỉnh giá (lần 1 điều chỉnh ngày 4/5/2023 với mức tăng 3%) nhưng theo ông Nguyễn Đình Phước - Kế toán trưởng EVN, giá bán lẻ điện hiện nay vẫn thấp hơn giá thành.

Theo quy định, giá thành sản xuất điện bao gồm chi phí khâu phát điện, chi phí khâu truyền tải điện, chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện, chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành.

Năm 2023 có một số thông số đầu vào ảnh hưởng đến chi phí của EVN. Cụ thể, sản lượng thủy điện giảm gần 17 tỷ kWh do hạn hán và El Nino kéo dài. Giá nhiên liệu cũng duy trì ở mức rất cao khi giá than năm 2023 tăng 29 - 46% so với mức áp dụng năm 2021. Giá dầu cũng tăng khoảng 18% so với năm 2021. Đặc biệt tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh gần 4% đến thời điểm hiện nay và ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của EVN. Trong khi đó, sản lượng thủy điện (nguồn điện giá rẻ) giảm gần 17 tỷ kWh so với năm 2022; sản lượng các nguồn nhiệt điện than, khí, dầu lại huy động tăng mạnh, để bù cho sản lượng thủy điện bị hụt.

Trong cơ cấu giá thành hiện nay, chi phí mua điện chiếm 83% chi phí giá thành của ngành điện. Gần 17% còn lại là chi phí của khâu truyền tải, phân phối. Để hạn chế tác động tăng giá, EVN cũng yêu cầu các đơn vị triệt để tiết giảm chi phí, cắt giảm chi phí như tiết kiệm chi phí thường xuyên 15%; chi phí sửa chữa lớn cắt giảm ở mức rất cao; tiết kiệm tối đa trong công tác quản trị…

Giá điện tăng 4,5% nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất
Giá bán lẻ điện tăng song vẫn thấp hơn giá thành sản xuất

Trên thực tế, giá thành sản xuất điện trong năm 2022 cũng cao hơn giá bán điện dẫn đến Tập đoàn EVN bị lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng. (Kết quả kinh doanh của EVN đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam và được kiểm tra bởi Đoàn kiểm tra liên ngành). Mỗi kWh bán cho khách hàng sử dụng điện lỗ 149,53 đồng/kWh.

Năm 2022, giá thành khâu phát điện chiếm tỷ trọng 83,6%; các khâu truyền tải, phân phối-bán lẻ và phụ trợ chỉ chiếm tỷ trọng 16,4%. EVN đã nỗ lực và quyết liệt thực hiện các giải pháp nội tại để giảm chi phí như tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn từ 20% đến 40%... làm cho giá thành khâu truyền tải, phân phối - bán lẻ và phụ trợ năm 2022 giảm 19,69 đ/kWh so với năm 2021 (chỉ còn 333,81 đ/kWh năm 2022 so với 353,5 đ/kWh năm 2021).

Bên cạnh đó, các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 (giá nhiên liệu than, dầu, khí) tăng đột biến so với các năm trước đây nên làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh, từ 1.506,4 đ/kWh năm 2021 lên 1.698,45 đ/kWh trong năm 2022 (tương ứng mức tăng 192,05 đ/kWh). Trong đó, giá than nhập khẩu tăng thể hiện qua chỉ số NewC Index là 362,8 USD/tấn, tăng 163% so với bình quân năm 2021 (138 USD/tấn). Đặc biệt, chỉ số NewC Index bình quân tháng 09/2022 là 434 USD/tấn, tăng 214% so với bình quân năm 2021; Giá than pha trộn do TKV cung cấp cũng tăng từ 41% đến 46,4% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021.Than pha trộn do Tổng công ty Đông Bắc cung cấp tăng từ 34,7% đến 39,4% (tuỳ từng chủng loại than) so với giá than áp dụng năm 2021; Giá khí và giá dầu đều tăng mạnh.

Theo Quyết định số 24/2017/QĐ- TTg ngày 30/06/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, khi các thông số đầu vào cho sản xuất điện tăng thì giá bán lẻ điện được điều chỉnh tương ứng. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, giá điện vẫn chưa được điều chỉnh theo quy định vào năm 2022 mà năm 2023 mới điều chỉnh.

Việc điều chỉnh giá điện đã được tính toán kỹ lưỡng để hạn chế ảnh hưởng tới các ngành sản xuất cũng như sinh hoạt của nhân dân.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam nhận định, đối với khách hàng, việc điều chỉnh giá điện là một khoản phải chi thêm. Tuy nhiên, nếu không tăng giá điện trong khi giá nhiên liệu đầu vào tăng cao sẽ gây ra nhiều khó khăn cho EVN. Ông Hùng đánh giá, khi điều chỉnh giá điện, Nhà nước cũng như ngành điện luôn hướng tới bảo vệ và hỗ trợ người có thu nhập thấp.

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương