Giá dầu thô giằng co trước thông tin trái chiều về nguồn cung tại Mỹ

(Banker.vn) Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 28/8, giá dầu WTI tăng nhẹ 0,34% lên 89,10 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 0,1% xuống còn 83,87 USD/thùng.
Giá xăng dầu hôm nay 4/8/2023: Giá dầu thô WTI và giá dầu Brent trở lại sắc xanh Giá xăng dầu hôm nay ngày 5/8/2023: Giá dầu thô WTI và dầu Brent tiếp tục tăng cao

Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), giá dầu đã ghi nhận một phiên biến động tương đối giằng co trước các thông tin trái chiều về nguồn cung. Cùng với đó các nhà đầu tư thận trọng trong việc đánh giá bối cảnh kinh tế vĩ mô.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần ngày 28/8, giá dầu WTI tăng nhẹ 0,34% lên 89,10 USD/thùng trong khi dầu Brent giảm 0,1% xuống còn 83,87 USD/thùng. Một số lo ngại về gián đoạn nguồn cung tại Mỹ đã kéo giá dầu WTI tăng nhẹ.

Giá dầu thô giảm mạnh, Brent tụt về mức 82,86 USD/thùng
Giá dầu WTI tăng nhẹ 0,34% lên 89,10 USD/thùng. Ảnh: Internet

Tập đoàn Dầu khí Marathon dự kiến sẽ đóng cửa Garyville, nhà máy lọc dầu lớn thứ 3 của Mỹ, sau sự cố cháy bể chứa vào cuối tuần qua. Nhà máy này sản xuất khoảng 265.000 thùng xăng/ngày, tương đương khoảng 3% tổng sản lượng tiêu thụ của Mỹ. Garyville cũng sản xuất khoảng 230.000 thùng dầu diesel/ngày. Công suất xử lý dầu thô của nhà máy này đạt 596.000 thùng/ngày.

Ngoài ra, bão nhiệt đới Idalia đã tấn công miền Tây Cuba và mạnh lên thành một cơn bão lớn vào ngày hôm qua khi tiến về phía Bờ biển Vịnh Florida. Nhà phân tích thị trường IG Tony Sycamore cho biết tác động rất có thể xảy ra ở Idalia là mất điện 1 hoặc 2 ngày. Điều này đã phần nào hỗ trợ cho giá dầu.

Tuy nhiên, theo MXV, khác với giai đoạn trước, lo ngại thiếu hụt nguồn cung đang dần được xoa dịu khi Venezuela và Iran có thể sẽ cung cấp nhiều dầu hơn cho thị trường. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể sẽ được nới lỏng sau các cuộc đàm phán lạc quan.

Do đó, các gián đoạn nguồn cung tạm thời tại Mỹ chủ yếu thúc đẩy giá dầu WTI, trong khi dầu Brent vẫn chịu một áp lực nhất định trước sự khả quan hơn về nguồn cung toàn cầu.

Một biện pháp nới lỏng tạm thời các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela có thể khởi động lại ngành công nghiệp dầu mỏ ở quốc gia Nam Mỹ này. Sản lượng dầu của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 thập kỷ qua. Các quan chức chính phủ liên bang ở Washington đang soạn một dự thảo đề xuất giảm nhẹ các lệnh trừng phạt nếu Venezuela tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống “tự do và công bằng”.

Các nhà phân tích cho biết nếu Chính quyền Biden nới lỏng hơn nữa các lệnh trừng phạt và cho phép các công ty dầu mỏ phương Tây khác hoạt động ở Venezuela, quốc gia này có thể tăng sản lượng thêm khoảng 200.000 thùng/ngày và đạt sản lượng dầu thô khoảng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Năm ngoái, sản lượng dầu thô của Venezuela đạt mức thấp nhất trong 50 năm khi chỉ đạt khoảng 700.000 thùng/ngày.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong phiên giao dịch đầu tuần cũng bày tỏ sự thận trọng sau những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong Hội nghị Jackson Hole cuối tuần qua. Trong đó ông nhấn mạnh Fed vẫn sẵn sàng cho việc nâng lãi suất cao hơn nếu cần thiết để sớm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Bảo Ngân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục