Giá dầu tăng nhẹ trước cuộc họp cắt giảm sản lượng của OPEC+

(Banker.vn) Giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch ở châu Á vào thứ Hai khi các thị trường chờ đợi cuộc họp OPEC+ ngày 2/6 để dự kiến cắt giảm sản lượng tự nguyện.
Giá dầu liên tiếp giảm sâu khi Mỹ xem xét nâng lãi suất Ngành dầu mỏ Nga 'oằn mình' trước áp lực cấm vận từ các nước phương Tây

Thời điểm 9 giờ sáng (theo giờ Việt Nam) hôm nay, hợp đồng dầu thô Brent giao tháng 7 tăng nhẹ 11 cent lên 82,23 USD/thùng. Hợp đồng tháng 8 tích cực hơn LCOc2 đã tăng 13 cent lên 81,97 USD. Giá dầu thô kỳ hạn West Texas Middle (WTI) của Mỹ tăng 13 cent lên 77,85 USD.

Hôm nay, thị trường Mỹ và Anh đóng cửa nghỉ Lễ tưởng niệm và ngày kỷ niệm của ngân hàng. Dự báo, thị trường có thể giao dịch trầm lắng, ít biến động. Trong tuần này, các nhà phân tích cho rằng, giá dầu thế giới chỉ có thể biến động sau công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI của các nước trong khu vực đồng Euro.

Giá dầu tăng nhẹ trước cuộc họp cắt giảm sản lượng của OPEC+
Xe tải chở dầu thô tới nhà máy lọc dầu ở Mỹ (Ảnh: Reuters)

OPEC cho biết cuộc họp sắp tới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC+, đã bị lùi lại một ngày là 2/6 và sẽ được tổ chức trực tuyến.

Trong cuộc họp này, các nhà sản xuất sẽ thảo luận về việc có nên gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày trong nửa cuối năm nay hay không. Theo ba nguồn tin từ các nước OPEC+ cho biết việc gia hạn có thể xảy ra để "bảo toàn" giá.

Kết hợp hành động cắt giảm sản lượng dầu mỏ, mức độ cắt giảm này là 3,66 triệu thùng/ngày, với các biện pháp cắt giảm khác dự kiến sẽ có hiệu lực đến cuối năm nay. Mức cắt giảm này ước tính tương đương với khoảng gần 6% của nhu cầu dầu toàn cầu.

Quá trình cắt giảm sản lượng dầu đang nhằm mục tiêu cân bằng giữa cung và cầu trên thị trường dầu mỏ, có thể giúp ổn định giá cả, giảm áp lực lên nguồn cung.

OPEC cho biết, họ dự kiến ​​sẽ có một năm tăng trưởng nhu cầu dầu tương đối mạnh ở mức 2,25 triệu thùng/ngày, trong khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự kiến ​​mức tăng trưởng chậm hơn ở mức 1,2 triệu thùng/ngày.

Các nhà phân tích của Australia and New Zealand Banking Group Limited (ANZ) cho biết, họ sẽ quan sát sự tiêu thụ xăng khi Bắc bán cầu bắt đầu mùa hè. Mùa hè thường là thời điểm cao điểm của việc sử dụng ô tô trong các kỳ nghỉ lễ và hoạt động du lịch.

Dự kiến số lượng chuyến đi nghỉ lễ ở Mỹ sẽ tăng lên mức cao nhất sau thời kỳ Covid-19. Tuy nhiên, do sự cải thiện trong hiệu quả sử dụng nhiên liệu và phát triển của xe điện, có thể dẫn đến việc nhu cầu dầu vẫn ở mức thấp. Nhưng, các nhà phân tích nhận định rằng sự yếu đối với nhu cầu dầu có thể được bù đắp bằng việc tăng cường sử dụng các phương tiện di chuyển bằng đường hàng không.

Thị trường cũng sẽ theo dõi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tuần này để có thêm tín hiệu về chính sách lãi suất. Chỉ số này dự kiến ​​được công bố vào ngày 31 tháng 5, được cho là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Brent kết thúc tuần trước giảm khoảng 2% và WTI mất gần 3% trong tuần sau khi biên bản cuộc họp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy sẽ sẵn sàng tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát tăng cao.

Hơn nữa, theo dữ liệu EIA, tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước, trong khi tồn kho tại trung tâm lưu trữ quan trọng ở Cushing, Oklahoma đạt mức cao nhất kể từ tháng 7.

Như vậy, khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 đã dần tiêu tan và các nhà phân tích đặt kỳ vọng vào việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Lãi suất cao hơn ở Mỹ trong một khoảng thời gian dài đã làm cho đồng đô la Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn. Khi đồng đô la Mỹ mạnh lên, giá dầu được định giá bằng đồng đô la Mỹ cũng sẽ tăng lên đối với những quốc gia sử dụng loại tiền tệ khác.

Hiệu ứng này là do mối quan hệ nghịch đảo giữa giá trị đồng tiền và giá cả hàng hóa. Khi đồng tiền của một quốc gia mạnh lên, giá trị của nó tăng so với các đồng tiền khác, làm tăng giá cả các hàng hóa (như dầu) khi chúng được định giá bằng đồng tiền mạnh hơn.

Linh Chi

Theo: Báo Công Thương