Giá dầu hôm nay 6/11/2022: Tiến sát mức 100 USD/thùng

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 7h50 ngày 6/11 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu thế giới tăng vọt chủ yếu nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi, đặc biệt là tại 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc.

Giá xăng dầu hôm nay 3/11/2022: Quay đầu tăng mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 4/11/2022: Bất ngờ giảm mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 5/11/2022: Chờ tín hiệu tăng

Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 91,38 USD/thùng, tăng 4,20 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 98,64 USD/thùng, tăng 3,97 USD/thùng trong phiên.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Giá dầu tăng vọt chủ yếu nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi, đặc biệt là tại 2 nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Hiện Trung Quốc vẫn đang tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch Covid-19 sau khi số ca mắc mới ở nước này lên cao nhất kể từ tháng 8 vào ngày 3/11. Tuy nhiên, theo Reuters, một cựu quan chức kiểm soát dịch của nước này cho biết sẽ sớm có những thay đổi đáng kể về chính sách phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó, nhiều thông tin về việc Trung Quốc có thể nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch cũng đã được đưa ra. Điều này đã dấy lên nhiều kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu ở nước này sẽ phục hồi mạnh.

Tại Mỹ, bất chấp việc Fed vẫn đang kiên định với chính sách tiền tệ thắt chặt và thực hiện lộ trình tăng lãi suất, thị trường lao động Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt, qua đó phần nào hạ nhiệt lo ngại suy thoái kinh tế.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ, trong tháng 10, nền kinh tế nước này đã tạo ra 261.000 việc làm, vượt xa con số dự báo 197.000 được đưa ra trước đó. Báo cáo cũng điều chỉnh số lượng việc làm trong tháng 9/2022 từ 263.000 lên 315.000 và tháng 8/2022 được điều chỉnh từ 292.000 lên 315.000. Giá dầu tăng vọt còn do thị trường dầu thô lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi mà các lệnh cấm vận, trừng phạt dầu thô Nga của EU, G7 có hiệu lực.

Bên cạnh đó, đồng USD mất giá mạnh cũng là tác nhân hỗ trợ giá dầu thô đi lên. Tuy nhiên, ở chiều hướng khác, triển vọng giá dầu cũng đang phải đối diện với các cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế khi lạm phát tại nhiều nền kinh tế tiếp tục leo cao, và các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục tăng lãi suất.

Tại thị trường trong nước, Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa công bố điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo hướng tăng hầu hết các mặt hàng. Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 380 đồng/lít, giá bán ra là 21.870 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 410 đồng/lít, giá bán ra là 22.750 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 290 đồng/lít, giá bán ra là 25.070 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán ra là 23.780 đồng/lít.

Ở kỳ điều hành này, nhà điều hành ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 là 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, không trích lập với dầu diesel và dầu hỏa.

Tại kỳ điều hành trước, giá xăng E5 RON92 tăng thêm 200 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít; xăng RON95 tăng 340 đồng/lít, lên 22.340 đồng/lít. Cùng với xăng, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh, riêng dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít.

Liên quan đến diễn biến mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính rà soát và điều chỉnh mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu. Việc này nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bộ Tài chính được đề nghị chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện việc thông quan hàng hóa xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn hàng từ nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước.

Bộ Công Thương cũng gửi văn bản tới Ngân hàng Nhà nước, đề nghị có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nâng hạn mức tín dụng, tiếp cận lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp tăng nguồn lực tài chính, giảm chi phí để nhập khẩu hoặc mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện về thủ tục vay vốn, mua ngoại tệ để nhanh chóng thực hiện các thủ tục mua xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Linh Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán