Giá dầu gần đạt ngưỡng 100 USD/thùng

(Banker.vn) Lo ngại ngày càng gia tăng về việc Nga có thể tấn công Ukraine đã đẩy giá dầu liên tục chinh phục “đỉnh” mới và khả năng “chạm” gần 100 USD/thùng - mức chưa từng thấy kể từ năm 2014 không phải là điều quá xa vời.

Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (14/2), dầu thô Brent đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ tháng 9-2014 là 96,78 USD/thùng. Bám sát dầu Brent, dầu thô WTI cũng tăng mạnh gần 3% lên 95,82 USD/thùng - mức cao nhất kể từ tháng 9-2014 trước khi trượt nhẹ xuống 95,46 USD/thùng.

Nhà phân tích dầu mỏ Giovanni Staunovo của UBS nói: “Không ai có thể đoán được suy nghĩ của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, sự gián đoạn nguồn cung do xung đột giữa Nga và Ukraine có thể khiến giá dầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng sau hơn 7 năm.”

Theo Nishant Bhushan, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad Energy, Nga là một trong những nước sản xuất dầu và khí đốt tự nhiên hàng đầu thế giới, với công suất khoảng 11,2 triệu thùng/ngày (tương đương 10% nhu cầu dầu của thế giới). Vì vậy, “bất kỳ sự gián đoạn nào của dòng chảy dầu từ khu vực sẽ khiến giá dầu Brent và WTI tăng vọt lên hơn 100 USD/thùng trong bối cảnh thị trường đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu dầu thô gia tăng khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch”.

Nhu cầu về năng lượng ngày càng cấp thiết khi các hạn chế trong thời điểm đại dịch được dỡ bỏ và việc di chuyển tăng trở lại, trong khi hàng tồn kho ngày càng giảm dần. John Kilduff, đối tác của Again Capital ở New York, cho biết, thị trường vẫn “siêu nhạy cảm” với những diễn biến xoay quanh căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Ông này cảnh bảo giá dầu đang tăng lên “ở mức độ khủng khiếp” và hối thúc “ngay bây giờ, mua ngay, hỏi sau!”.

Giá dầu Bent dao động gần mức cao nhất sau 7 năm. Nguồn: CNN Business

Trước tình hình giá dầu “nóng”, Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol kêu gọi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC +) và các đồng minh quan trọng như Nga tăng cường nguồn cung nhằm thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và hành động. IEA cho biết: “Nếu khoảng cách giữa mục tiêu của OPEC + và sản lượng thực tế tiếp tục bị nới rộng, căng thẳng nguồn cung sẽ làm tăng khả năng biến động và áp lực về giá cả.”

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Iran. Một thỏa thuận hạt nhân đạt được có thể “giải phóng” khoảng 1,3 triệu thùng dầu của Iran, phần nào sẽ khỏa lấp khoảng trống trong nguồn cung đang eo hẹp. Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng được xem xét về khả năng bù đắp lượng dầu đang dần cạn kiệt, nhưng Staunovo cho rằng điều này khó có thể xảy ra trừ khi tình hình thực sự leo thang.

Tuần trước, Natasha Kenava – người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của JPMorgan, dự kiến giá dầu có thể dễ dàng tăng vọt lên 120 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu thô của Nga bị ảnh hưởng bởi diễn biến căng thẳng với Ukraine.

Giá dầu tăng cao có thể gây sốc cho nền kinh tế của các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu và làm tổn hại đến túi tiền vốn đã bị ăn mòn bởi lạm phát của người tiêu dùng. Giá xăng trung bình của 1 gallon tại Mỹ đã tăng lên gần 3,49 USD vào thứ Hai, tăng từ 3,31 USD vào tháng trước và 2,51 USD vào thời điểm này năm ngoái.

Theo CNBC, trong một cuộc trả lời phỏng vấn khi tham dự hội nghị triển lãm dầu khí (EGYPS 2022) ở Cairo, Ai Cập, rằng liệu giá dầu sẽ tăng vọt lên 3 con số hay không, Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập Tarek El Molla cho biết, là một người chuyên nghiệp ông “có thể thấy điều đó xảy ra”. “Nhưng tôi không muốn điều đó xảy ra”, Tarek El Molla nhấn mạnh.

Nếu giá dầu thế giới thật sự chạm ngưỡng 100 USD/thùng, giá dầu trong nước dự kiến bị ảnh hưởng không nhỏ do sản lượng tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam là rất lớn. Ngày hôm nay (15/2), giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 24.571 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 25.322 đồng/lít; dầu diesel không quá 19.865 đồng/lít; dầu hỏa không quá 18.751 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.659 đồng/kg.

Minh Ngọc

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục