Giá đất leo cao tại 7 địa phương

(Banker.vn) Sau khoảng 2 tháng cơn sốt đất diễn ra khắp nơi, hiện nay nhiều khu vực đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Tuy nhiên, ở những khu vực này đã thiết lập mặt bằng giá mới.

Theo dự báo của các chuyên gia, có 2 xu hướng có thể xảy ra về giá đất trong thời gian tới.

Một là, với những nơi "sốt ảo", giá đất bị đẩy lên một cách chóng vánh, tăng gấp nhiều lần trong thời gian ngắn mà không có những yếu tố thực tế như việc đầu tư xậy dựng hạ tầng, phát triển mạnh về đô thị thì khả năng sẽ diễn ra hiện tượng "xì hơi".

Hai là, những khu vực có giá đất tăng ở mức vừa phải, bền vững nhờ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng cũng như các thông tin hỗ trợ về quy hoạch và dự án giao thông trọng điểm được xây dựng sẽ giữ được đà tăng giá.

Khảo sát cho thấy, một số khu vực có giá đất tăng chóng mặt so với năm ngoái:

Thanh Hóa: Giá đất nhiều nơi tăng bất thường

Theo nhipsongkinhte, Một số khu vực trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh,…giá đất liên tục tăng cao trong thời gian qua.

Chẳng hạn, lô đất 160 m2 thuộc TP. Thanh Hóa trước đây được rao bán với giá 600 triệu đồng thì bỗng dưng nay được chào giá lên tới 1,5 tỷ đồng; Đất nền thuộc một khu đô thị khu vực Nam TP. Thanh Hóa, trước đây được bán với mức giá 7 - 8 triệu đồng/m2 thì nay đang giao dịch ở mức 13 - 15 triệu đồng/m2;

Tại phường Quảng Thành, giá đất thổ cư dao động từ 400 – 600 triệu đồng/100 m2 tùy vị trí. Còn đối với loại đất mặt bằng, cùng thời điểm này năm trước có giá khoảng 800 triệu đồng/100 m2 năm nay đã lên hơn 1 tỷ đồng.

Được biết tình trạng giá đất "nhảy múa" ở tỉnh Thanh Hóa chủ yếu xảy ra tại khu vực TP. Thanh Hóa, khu vực ven biển TP. Sầm Sơn, Đông Sơn, Quảng Xương. Giá đất tại các khu vực này dao động từ mức 12 - 15 triệu đồng/m2, cao gấp đôi giá thị trường so với cùng kỳ năm trước.

Đất đấu giá ở một số khu vực ven TP. Thanh Hóa như Hoằng Hóa cũng tăng chóng mặt do nhu cầu rất cao. Giá khởi điểm chỉ vào khoảng 3 - 4 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, có nơi giá trúng đấu giá đã tăng gấp 2 - 3 lần so với giá khởi điểm.

Bắc Giang: Đất huyện có nơi 50 triệu đồng/m2

Thời gian gần đây, cơn sốt đất tại Bắc Giang khiến không ít các nhà đầu tư không khỏi bàng hoàng. Chỉ từ đầu năm 2021 đến nay, giá đất Bắc Giang "nhảy múa" đến chóng mặt, có nơi giá được đẩy lên gấp đôi, gấp 3 lần. Đơn cử như giá đất khu vực Yên Sơn (Lục Nam) hiện được nâng lên theo từng ngày, có nơi giá đất tại đây chạm tới 40 triệu đồng/m2, còn trung bình dao động từ 20 - 30 triệu đồng/m2.

Hay như tại huyện Yên Dũng, nếu trước Tết Nguyên đán, giá đất tại xã Nội Hoàng ở mức khoảng 12 - 15 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 25 - 30 triệu đồng/m2. Đáng chú ý là tại khu vực huyện Việt Yên, giá nhà đất dao động ở mức trung bình từ 30 - 40 triệu đồng/m2, có nơi lên 50 triệu đồng/m2.

Hải Phòng: Giá đất Thủy Nguyên sốt nóng

Điển hình như giá đất ở khu vực trung tâm thị trấn Núi Đèo lên tới hơn 100 triệu đồng/m2. Tại khu tái định cư Bắc sông Cấm, giá đất tăng từ 35 - 40 triệu đồng/m² lên 55-70 triệu đồng/m². Hay như khu vực mặt đường 359 qua các xã: Tân Dương, Thủy Sơn, Thủy Đường, An Lư… lên tới 40 - 60 triệu đồng/m2.

Ngoài ra tại các xã Lưu Kiếm, Quảng Thanh, Lưu Kỳ, Minh Tân… cũng tăng 30%, lên ngưỡng 25 - 40 triệu đồng/m2… Ngay cả các xã xa trung tâm như: Liên Khê, Kỳ Sơn, Gia Minh, Gia Đức… tăng bình quân 10 triệu đồng/m²…

Đặc biệt là tại huyện Thủy Nguyên và An Dương, giá đất cũng tăng khoảng 30 - 40%. Đơn cử, một khu đất tại khu vực đầu đường Máng (tuyến 1) trước đây có giá 25 - 30 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 40 - 45 triệu đồng/m2. Lý do được cho là bởi thông tin Hải Phòng sẽ triển khai các thủ tục pháp lý để chuyển đổi huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc và huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận trước năm 2025.

Đà Nẵng: Giá đất đang tăng lên từ "đáy"

Sau cú giảm mạnh khoảng 30 - 40% tùy từng khu vực so với đỉnh sốt năm 2018 do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hiện giá đất tại Đà Nẵng đang có dấu hiệu phục hồi nhanh trở lại. Một số khu đô thị, giá các lô đất nền đã có xu hướng tăng 10-15% so với thời điểm đáy vào cuối năm 2020. Có thể kể đến như đất nền Khu đô thị FPT City Đà Nẵng hiện đang giao dịch từ 26,5 - 34 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí mặt đường 7,5m đến 33m; Khu đô thị Hòa Xuân mỗi lô đất nền cũng đang được chào bán có giá cao hơn năm ngoái từ 200 - 300 triệu đồng/lô; Khu đô thị Bàu Tràm có giá tăng khoảng 20% so với thời điểm Tết Nguyên Đán, KĐT Golden Hills cũng có giá đất nền tăng trở lại...

Đồng Nai: Đất nền giá rẻ chiếm ưu thế, khu vực vùng trũng hút đầu tư

Với lợi thế tiếp giáp khu Đông TP. HCM và việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, giá đất bình quân trước đó khoảng 12-14 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên khoảng 22 triệu đồng. Đất tại thị trấn Long Thành có nơi đã tăng đến 100 triệu đồng/m2.

Đồng thời những sản phẩm giá rẻ từ 300 - 800 triệu (đất sào mẫu, đồng sở hữu, đất nền giá rẻ) đang chiếm ưu thế. Một số khu vực vùng trũng như: Cẩm mỹ, Trảng bom, Thống nhất đang thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ bất chấp việc các sản phẩm không được đẹp. Bên cạnh đó, giá BĐS trong khu vực Trung Tâm Biên Hòa giao động nhẹ 2 - 5% trong Quý I, các thị trường vùng trũng tăng rất mạnh từ 10 - 20% kể từ cuối năm 2020.

Cần Thơ: Giá đất sôi động cục bộ tại một số khu vực

TP. Cần Thơ hiện nay cũng có rất nhiều thông tin về quy hoạch các dự án lớn có tính quyết định đến sự phát triển của thành phố cũng như của vùng ĐBSCL trong tương lai như: Dự án kè sông Cần Thơ, cầu - đường Trần Hoàng Na, khu trung tâm hành chính thành phố hay Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, quy hoạch đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ,...

Tuy nhiên hiện nay, TP. Cần Thơ không còn quỹ đất như các nơi để giới đầu cơ BĐS thu mua rồi "thổi giá" trục lợi. Các quy hoạch ở Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy hầu hết đã hình thành dự án khu dân cư, quy hoạch các khu chức năng và việc điều chỉnh quy hoạch 1/5000 ở các quận, huyện này cũng mới được công bố hồi cuối năm 2020. Do đó không còn nhiều cơ hội để đầu tư mua đất công (diện tích lớn) giá thấp để đón đầu quy hoạch, còn mua đất nền khu dân cư để "lướt sóng" hiện nay đã không còn giá rẻ như 4 - 5 năm về trước.

Kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số nơi thuộc quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy giao dịch đất nền dự án cũng diễn ra khá sôi động. Tại một số dự án cụ thể như Khu dân cư Ngân Thuận (quận Bình Thủy), Khu dân cư Hồng Loan (khu 6A và 5C)… đã tăng giá từ 5 - 10% so với cuối năm 2020. Nhưng hầu hết các khu dân cư còn lại dù có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh nhưng giao dịch vẫn trầm lắng.

Phú Quốc: Dấu hiệu giao dịch sôi động đang trở lại

Sau khi Phú Quốc được nâng cấp lên thành phố, thị trường bất động sản tại "đảo Ngọc" bắt đầu sôi động trở lại. Theo khảo sát, giá đất nông nghiệp tại Phú Quốc ở mức khá cao, từ vài triệu đến hơn chục triệu/m2. Đơn cử như một mảnh đất nông nghiệp ở xã Cửu Dương, TP. Phú Quốc có diện tích 163 m2 được rao với giá 2,8 tỷ, tương đương với giá 17,1 triệu đồng/m2. Theo người bán, đất sẽ được quy hoạch thổ cư và đã được lên sẵn hơn 30 m2.

Tương tự một mảnh đất nông nghiệp có diện tích 125 m2 ở TP. Phú Quốc được rao với giá 1,5 tỷ đồng, tương đương 12 triệu đồng/m2. Hay như một mảnh đất nông nghiệp ở Đường Trung Đoàn, Ấp Búng Gội, Cửa Dương, đã có sổ riêng rộng 500 m2 được rao với giá 3,2 tỷ, tương đương với 6,4 triệu đồng/m2.

Trước tình hình đó, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, Phú Quốc vẫn còn đang trong giai đoạn đầu tư phát triển. Dư địa là rất lớn và chỉ cần sau 10 năm nữa, tôi tin là giá đất có thể gấp 2 - 3 lần hiện nay. Nhiều yếu tố nhìn vào sẽ thấy đầu tư ở Phú Quốc đang có lợi đến như thế nào.

Quốc Trung T/H

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán