Giá cước vận tải được hỗ trợ nhờ chính sách đẩy mạnh xuất khẩu dầu của Mỹ dưới chính quyền D.Trump

(Banker.vn) Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, chính sách thúc đẩy độc lập năng lượng và gia tăng xuất khẩu dầu thô có thể khiến nhu cầu vận chuyển dài hơn tăng lên, kéo theo giá cước vận tải cải thiện. Theo đó, Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVT) cùng các doanh nghiệp vận tải như VOS, VIP và VTO đang được dự báo sẽ hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng này.

Cục diện ngành thương mại dầu khí được định hình lại

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mang đến nhiều thay đổi tiềm tàng cho quan hệ thương mại giữa Mỹ và châu Á, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ.

Các chuyên gia nhận định rằng, mặc dù hiện nay dòng chảy dầu vào châu Á đang khá ổn định, nhưng chính quyền mới của Mỹ có thể điều chỉnh chính sách xuất khẩu dầu, từ đó tác động đáng kể đến thị trường khu vực này. Theo các nhà phân tích từ S&P Global Commodity Insights, chỉ khi có sự thay đổi chính sách lớn từ Nhà Trắng, dòng chảy dầu sang châu Á mới có sự biến động rõ rệt.

Giá cước vận tải được hỗ trợ nhờ chính sách đẩy mạnh xuất khẩu dầu của Mỹ dưới chính quyền D.Trump
Các chính sách mới của ông Donald Trump có thể định hình lại cục diện ngành thương mại dầu khí

Một trong những vấn đề then chốt là cách Mỹ sẽ định hình quan hệ với các quốc gia như Trung Quốc, Iran, Nga và Venezuela. Ông Benjamin Tang, Giám đốc bộ phận hàng hóa lỏng của S&P Global Commodities at Sea, nhận định rằng sản lượng dầu Mỹ gia tăng cùng với chiến lược cạnh tranh của OPEC đã giúp Mỹ duy trì vị thế mạnh mẽ tại châu Á, ngay cả khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sút.

Cụ thể, năm 2024, xuất khẩu dầu của Mỹ sang Trung Quốc giảm xuống còn 155.000 thùng/ngày, so với mức 305.000 thùng/ngày vào năm trước. Sự sụt giảm này chủ yếu do Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu và tăng cường sản xuất trong nước.

Trong khi đó, các quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc lại gia tăng nhập khẩu dầu từ Mỹ. Số liệu cho thấy, Hàn Quốc đã tăng lượng mua trung bình lên 62.000 thùng/ngày, đạt mức 474.000 thùng/ngày trong 10 tháng đầu năm 2024. Điều này thể hiện chính sách đa dạng hóa nguồn cung dầu thô của Hàn Quốc, góp phần củng cố an ninh năng lượng trước những biến động tiềm ẩn từ thị trường quốc tế.

Chiến thắng của ông Donald Trump có thể mang lại những tác động đáng kể đối với ngành thương mại năng lượng, đặc biệt là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu căng thẳng thương mại giữa hai nước tiếp tục leo thang, các quốc gia châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản có thể được hưởng lợi từ việc giảm thuế nhập khẩu dầu của Mỹ.

Điều này sẽ giúp họ gia tăng mua dầu thô từ Mỹ, trong khi dòng chảy dầu mỏ có thể chuyển hướng sang các thị trường khác nếu chính sách thuế thay đổi, tùy thuộc vào mức độ cạnh tranh về giá.

Hiện tại, Hàn Quốc là nước nhập khẩu dầu từ Mỹ lớn nhất khu vực châu Á, và với các thỏa thuận thương mại tự do có lợi, nước này có thể tiếp tục gia tăng phụ thuộc vào nguồn cung từ Mỹ. Nhật Bản cũng có thể đẩy mạnh nhập khẩu dầu từ Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung từ Trung Đông, đảm bảo an ninh năng lượng tốt hơn trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động.

Một số cổ phiếu vận tải xăng dầu được hưởng lợi nhẹ

Theo Chứng khoán Vietcap, nhóm cổ phiếu vận tải xăng dầu có tiềm năng hưởng lợi nhẹ từ việc gia tăng xuất khẩu dầu của Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, khi chính sách của ông hướng đến độc lập năng lượng và tăng cường xuất khẩu dầu thô.

Chính sách này có thể làm thay đổi dòng chảy thương mại dầu mỏ toàn cầu, đặc biệt khi Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường châu Á. Sự gia tăng này tạo nhu cầu cho các tuyến vận chuyển dài hơn, kéo theo nhu cầu về tấn-dặm đối với tàu chở dầu, từ đó hỗ trợ giá cước vận tải tăng cao.

Giá cước vận tải được hỗ trợ nhờ chính sách đẩy mạnh xuất khẩu dầu của Mỹ dưới chính quyền D.Trump
Nhóm cổ phiếu vận tải xăng dầu có tiềm năng hưởng lợi nhẹ từ việc gia tăng xuất khẩu dầu của Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump

Ngoài ra, các chuyên gia dự báo giá cước thị trường vận tải dầu thô và dầu thành phẩm trong cuối năm 2024 vẫn duy trì ở mức tốt một phần do sự bất ổn ở Trung Đông có thể làm gián đoạn các tuyến hàng hải quan trọng và quãng đường vận chuyển bị kéo dài nhưng nguồn cung tàu lại hạn chế.

Trong bối cảnh này, Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PV Trans - PVT) có lợi thế nhờ hệ thống vận tải đa dạng và mạng lưới hoạt động quốc tế rộng lớn. PVT vận hành 4 loại tàu gồm dầu thô, sản phẩm dầu/hóa chất, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), và hàng rời.

Đáng chú ý, phân khúc vận tải sản phẩm dầu/hóa chất đang đóng góp lớn nhất vào doanh thu và lợi nhuận gộp của công ty. Với hoạt động quốc tế tập trung tại Đông Nam Á và Trung Đông, PVT đã mở rộng thị trường sang châu Âu và châu Mỹ từ năm 2023.

Cụ thể, từ đầu năm 2024 tới nay, PVT đã hoàn tất việc tiếp nhận thêm 6 tàu mới, bao gồm tàu dầu thành phẩm, tàu hóa chất, tàu chở khí hóa lỏng (LPG) đến tàu hàng rời, nâng tổng số đội tàu lên 58 chiếc với tổng công suất lên tới 1,7 triệu DWT và gần 90% đội tàu đang phục vụ thị trường quốc tế. Nhờ đó, công ty có thể hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng tăng giá cước vận tải tàu chở dầu trên toàn cầu.

Hệ thống vận tải dầu khí của PVT gồm các đơn vị như PVP (vận tải dầu thô), PDV (vận tải sản phẩm dầu), và GSP (vận tải LPG).

Các công ty khác như VOS, VIP, VTO cũng có thể được hưởng lợi khi vận chuyển các sản phẩm dầu nhập khẩu của các doanh nghiệp lớn như PLX và OIL.

Theo dự báo của Vietcap, giá cước vận tải tàu chở dầu sẽ tiếp tục tăng, hỗ trợ cho giá cước vận tải tại châu Á, thậm chí là tại thị trường Việt Nam. Mặc dù Việt Nam là nước nhập khẩu dầu ròng, nhưng hoạt động xuất khẩu dầu vẫn diễn ra, giúp các doanh nghiệp vận tải trong nước tận dụng xu hướng tăng giá cước, từ đó cải thiện doanh thu và lợi nhuận.

Donald Trump và nghệ thuật sử dụng đòn bẩy tài chính dành cho nhà đầu tư

Tân Tổng thống thứ 47 của Mỹ, ông Donald Trump sở hữu không ít câu nói mang tính truyền cảm hứng và khơi dậy động ...

Chuyên gia VNDIRECT: Thị trường tiếp tục giao dịch giằng co khi chưa xuất hiện thông tin hỗ trợ đủ mạnh

Thị trường chứng khoán trải qua tuần giao dịch đầy biến động, tuy nhiên chỉ số chính VN-Index lại đóng cửa gần như đi ngang ...

Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam: Cơ hội và thách thức tại Mỹ dưới chính quyền của Trump

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn tại thị trường Mỹ dù gặp phải các biện pháp phòng vệ thương ...

Long Nguyễn

Long Nguyễn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục