Giá căn hộ chung cư tăng chóng mặt, vì sao?

(Banker.vn) Chỉ trong vòng 2 năm giá căn hộ chung cư tăng từ 30-40%, nguyên nhân được xác định do thiếu hụt nguồn cung, có cả tình trạng lạm dụng khan hiếm đẩy giá lên cao.
Bộ Xây dựng nêu điều kiện cấp sổ hồng chung cư mini Xu hướng ngành bất động sản năm 2024: Tái cấu trúc nguồn vốn và chung cư tiếp tục lên giá

Theo khảo sát của phóng viên, dù không nằm ở khu vực trung tâm của quận Hà Đông nhưng với chất lượng xây dựng và dịch vụ tốt, hạ tầng đẹp căn hộ tại khu chung cư Huyndail Hillstate vẫn luôn là mục tiêu tìm kiếm của người tiêu dùng.

Theo chia sẻ của một nhân viên môi giới nhà đất, giá căn hộ của chung cư này đang tăng nhanh, chỉ trong vòng 2 năm đã tăng tới 40%, cung không đủ cầu.

Tại chung cư Tân Tây Đô ( Đan Phượng), bắt đầu được đưa vào khai thác từ năm 2015, đến nay giá căn hộ tại khu vực này cũng đã tăng khoảng 30%.

Đáng nói, không chỉ Huyndail Hillstate, Tân Tây Đô, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội, cũng như các thành phố lớn khác cũng đang tăng chóng mặt.

Giá căn hộ chung cư tăng chóng mặt, vì sao?
Phối cảnh chung cư Huyndail Hillstate

Báo cáo thị trường bất động sản của Savills cho thấy, tại Hà Nội, lượng căn hộ sơ cấp là 11.911 căn, giảm 40% theo quý và 41% theo năm. Giá bán sơ cấp trung bình đạt 58 triệu đồng/m2, tăng 7% theo quý và 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá mở bán trung bình tại thị trường này đã tăng trong 20 quý liên tiếp.

Tại TP. Hồ Chí Minh nguồn cung sơ cấp liên tục trên đà giảm kể từ 2017. Trong quý 4 năm 2023, nguồn cung sơ cấp đạt 7.600 căn hộ, ổn định theo quý nhưng giảm 5% theo năm. Giá bán sơ cấp trung bình trong quý tại TP.HCM quay về mức của năm 2020 với 69 triệu đồng/m2, giảm 36% so với quý trước và 45% theo năm.

Theo các sàn giao dịch bất động sản, giá căn hộ chung cư tăng cao chủ yếu do nguồn cung thiếu hụt. Thị trường bất động sản đang diễn biến khá phức tạp do nhiều yếu tố tác động, ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư cũng như người mua nhà. Với giá nhà tăng như trên, cũng có yếu tố đẩy giá ảo và thêm nữa là có một bộ phận là cò bắt tay với chủ đầu tư lạm dụng thị trường khan hiếm để đẩy giá lên quá cao.

Thêm yêu tố nữa là sẽ có những doanh nghiệp bất động sản dù đã hoàn thiện công trình nhưng lại chưa bán để nghe ngóng các thay đổi về chính sách, giá cả thị trường.

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, năm 2024 phân khúc nhà ở chung cư vẫn sẽ duy trì ở mức giá cả cao trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, sẽ có sự góp mặt nhiều hơn của các sản phẩm giá phù hợp hơn với nhu cầu của người dân và chủ yếu đến từ các dự án nhà ở xã hội.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam mức giá có khả năng hấp thụ tốt ở tại Bình Dương khoảng 33-35 triệu đồng/m2, TP. Hồ Chí Minh khoảng 50 triệu đồng/m2.

Riêng tại Hà Nội, căn hộ chung cư tiếp tục neo ở mức cao, ngày càng khan hiếm dự án mới với mức giá dưới 50 triệu đồng/m2. Giá chào bán tiếp tục tăng tại các giai đoạn cuối tại các phân khu trong cùng dự án do nguồn cung vẫn tiếp tục khan hiếm.

Trước diễn biến “chưa ổn” của thị trường căn hộ chung cư, tại Diễn đàn Thị trường bất động sản tổ chức gần đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, ngoài tín dụng ngân hàng còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính; huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.

Về hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản; đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội...

Về giá thành sản phẩm bất động sản, Bộ Xây dựng khuyến nghị các doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp tiết kiệm, giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương