Áp lực từ trong ra ngoài
Với vị thế là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và nhà sản xuất cà phê Robusta hàng đầu, Việt Nam đang đối mặt với nhiều áp lực từ cả trong và ngoài nước.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, lượng xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt tổng cộng 25 triệu bao (60 kg/bao) trong niên vụ 2023-2024, giảm khoảng 10% so với năm trước. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo sơ bộ 24 triệu bao của Volcafe đưa ra trước đó và thấp hơn rất nhiều so với con số 27,85 triệu bao mà Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính.
Một số công ty cà phê cho hay, kho hàng của doanh nghiệp gần như cạn sạch, trong khi tháng 10 mới bước vào vụ thu hoạch mới ở nước ta. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì vị thế là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn thứ hai toàn cầu và sau Brazil.
Theo TS. Devmali Perera - giảng viên tài chính tại Đại học RMIT, ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức và thay đổi đáng kể trong bối cảnh thị trường biến động và áp lực môi trường tăng cao.
"Thị trường cà phê Việt Nam phải đối mặt với hai thách thức chính trong năm nay, giá cà phê tăng và sản lượng giảm. Giá cà phê tăng do nhu cầu cả trong và ngoài nước đều tăng cao, đặc biệt là tại các nước Đông Nam Á. Mặt khác, điều kiện thời tiết bất lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng cũng góp phần khiến sản lượng giảm", TS. Devmali Perera cho biết.
Ngành cà phê Việt Nam đối diện với giảm sản lượng và giá tăng (Ảnh: moit.gov.vn) |
Giải pháp chiến lược để đảm bảo tính bền vững và khả năng cạnh tranh
Sản xuất cà phê tại Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán kéo dài và nhiệt độ tăng cao, điều này dẫn đến năng suất giảm và chất lượng cây trồng bị ảnh hưởng.
TS. Majo George, Giảng viên cấp cao ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics tại Đại học RMIT, nhận định, áp lực từ khí hậu đặc biệt gay gắt ở Tây Nguyên, nơi hạn hán nghiêm trọng đã thiêu rụi nhiều đồn điền cà phê và khiến tình trạng khan hiếm nước tưới trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, chuỗi cung ứng toàn cầu đang đối mặt với gián đoạn đáng kể do tình trạng thiếu container và tắc nghẽn cảng, khiến các chuyến hàng bị trì hoãn và chi phí tăng cao. Những thách thức này càng trở nên trầm trọng hơn do căng thẳng địa chính trị trên toàn thế giới.
"Những rào cản logistics khiến cà phê Việt Nam khó tiếp cận thị trường quốc tế đúng thời hạn, ảnh hưởng đến năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường của doanh nghiệp xuất khẩu", TS. George chia sẻ.
Hiện nay, nhiều hộ sản xuất nhỏ ở Việt Nam vẫn dựa vào phương pháp canh tác truyền thống nên chất lượng và sản lượng không đồng đều. Việc thiếu cơ sở tiên tiến phục vụ chế biến và bảo quản sau thu hoạch có thể khiến chất lượng bị suy giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, các quy định mới về môi trường, đặc biệt là quy định của Liên minh châu Âu liên quan đến dư lượng thuốc trừ sâu, đòi hỏi nhà sản xuất phải điều chỉnh phương pháp canh tác và tăng chi phí tuân thủ. Điều này tạo thêm áp lực cho nông dân sản xuất nhỏ, những người khó thích nghi nhanh chóng.
Dù có hơn 700.000 ha đất cà phê, Việt Nam vẫn đang chật vật tìm đất phù hợp để nâng cao sản lượng, do lo ngại nạn phá rừng và áp lực đáp ứng các mục tiêu khí hậu. TS. Devmali Perera - giảng viên Tài chính đến từ Đại học RMIT cho biết, nhiều nông dân đã chuyển sang trồng sầu riêng do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đối với loại trái cây này đang tăng. Sự thay đổi này đã làm giảm thêm diện tích dành cho sản xuất cà phê.
Ngoài ra, nông dân cũng đang phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá phân bón và nhân công tăng. Mặc dù giá cà phê trong nước tăng có thể bù đắp phần nào chi phí sản xuất cho nông dân, nhưng chi phí sản xuất tăng khiến các đơn vị xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), lượng xuất khẩu cà phê trong các tháng 8, tháng 9 sẽ giảm dần, do nguồn cung dần hết. Phải chờ sang tháng 10, khi vụ thu hoạch cà phê mới bắt đầu, thì nguồn cung cà phê của Việt Nam mới tăng trở lại.
Nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt, trong khi các nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng nên giá cà phê quý 3 dự báo sẽ tiếp tục tăng cao. Cộng thêm nguồn cung cà phê các nước xuất khẩu lớn trên thế giới giảm do thời tiết như Brazil sẽ khiến giá cà phê có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Hiện, các đơn vị xuất khẩu hiện đang phải vật lộn với áp lực tài chính, thiếu hụt sản phẩm và chi phí vận chuyển cao, khiến họ thận trọng hơn khi nhận đơn đặt hàng mới. Trong khi đó, nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp hạn chế đang tạo ra thêm nhiều biến động về giá cả và sự bất ổn trong thị trường cà phê.
"Các đơn vị xuất khẩu đang phải đối mặt với áp lực tài chính, thiếu hụt sản phẩm và chi phí vận chuyển cao, khiến họ thận trọng hơn khi nhận đơn đặt hàng mới. Nhu cầu ngày càng tăng trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp hạn chế đang tạo ra thêm nhiều biến động về giá cả và sự bất ổn trong thị trường cà phê", TS. Devmali Perera nhận định.
Ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ điều kiện tự nhiên, căng thẳng địa chính trị, và chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, với vị thế là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và những nỗ lực cải thiện chuỗi giá trị, ngành cà phê Việt Nam vẫn có cơ hội vượt qua khó khăn và tiếp tục đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia.
Các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê cần phải thích ứng và tìm ra các giải pháp bền vững để duy trì và phát triển ngành cà phê trong bối cảnh nhiều biến động và thách thức hiện nay.