Giá cà phê hôm nay 3/7/2024: Giá cà phê trong nước bật tăng trở lại vượt mốc 121.000 đồng/kg Giá cà phê hôm nay 4/7/2024: Giá cà phê trong nước tiếp đà tăng nhẹ, Đắk Nông chạm đỉnh 122.000 đồng/kg |
Giá cà phê dần lấy lại đà tăng khi thời tiết thay đổi
Sau nhịp điều chỉnh giảm 30% vào cuối tháng 4, giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch liên lục địa châu Âu (ICE-EU) đã nhanh chóng quay về vùng đỉnh lịch sử, trên 4.000 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam tính đến ngày 3/7 đã lấy lại hơn 25% so với đáy điều chỉnh vào đầu tháng 5, về vùng giá trên 120.000 đồng/kg.
Diễn biến giá cà phê Robusta thế giới và nhân xô tại Việt Nam |
Giá cà phê trở lại vùng cao so với các năm trước chủ yếu xuất phát từ lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Brazil và Việt Nam, 2 quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, mưa xuất hiện từ đầu tháng 5 nhưng không thể giải tỏa hoàn toàn áp lực thiếu nước do ảnh hưởng từ đợt nắng nóng đỉnh điểm kéo dài suốt 4 tháng đầu năm. Sản lượng cà phê vụ 2024-2025 dự kiến tiếp tục giảm 10-16% so với vụ hiện tại, về còn 23,5-25,0 triệu bao (tương đương 1,3-1,5 triệu tấn), là mức thấp nhất trong vòng 13 năm.
Tại Brazil, hoạt động thu hoạch cà phê vụ 2024-2025 bắt đầu sớm từ cuối tháng 4 nhưng chất lượng quả không đồng đều đã hạn chế kỳ vọng tích cực về sản lượng. Trong báo cáo kết quả khảo sát mùa vụ cà phê năm 2024 lần 2, Cơ quan cung ứng mùa vụ thuộc chính phủ Brazil (CONAB) đã cắt giảm 600.000 bao cà phê Robusta so với báo cáo lần 1, xuống còn 16,7 triệu bao.
Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 6, sự chuyển biến thời tiết tại Brazil đã trở thành tâm điểm của thị trường và là một trong những yếu tố chính thúc đẩy giá tiến tới mức 4.500 USD/tấn, tiệm cận đỉnh lịch sử. Không khí lạnh bổ sung khiến nhiệt độ tại phía Nam và Đông Nam Brazil giảm về dưới 10 độ C, làm gia tăng cảnh báo về sương giá. Đây là hiện tượng thời tiết cực đoan đối với thị trường cà phê, do có thể làm chậm quá trình thu hoạch và tăng diện tích cà phê mất trắng khi cây trồng chết lạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV |
Trước sự biến động của thị trường, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV nhận định: “Yếu tố thời tiết, đặc biệt là lo ngại sương giá tại Brazil sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường trong tháng 7. Đồng thời, sự bổ sung nguồn cung từ Brazil không thể bù đắp hoàn toàn những thiếu hụt từ Việt Nam. Do đó, giá cà phê trong đầu quý III có thể tiếp tục neo ở mức cao nhưng chưa thể vượt đỉnh lịch sử gần 135.000 đồng/kg”.
Bài học lịch sử khi La Nina thay thế El Nino
Sự chuyển giao giữa La Nina và El Nino không phải là điều bất ngờ trong thời tiết cũng như trên thị trường cà phê. Tuy nhiên, đây lại là một bước ngoặt quan trọng tạo nên những ảnh hưởng đáng kể đến mùa vụ và diễn biến giá cà phê.
Nhìn lại quá khứ, thị trường đã có rất nhiều minh chứng cụ thể cho sự thay đổi này và gần đây nhất có thể kể đến bài học lịch sử về mùa vụ tại Brazil vào tháng 7/2021. Sự quay trở lại của La Nina đã gây ra sương giá ngay giữa vụ thu hoạch 2021-2022 tại Brazil.
Hoạt động thu hoạch bị gián đoạn, nhiều cây cà phê bị chết lạnh, dẫn đến sản lượng cà phê giảm gần 30% so với vụ trước. Điều này gây ra tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường, giúp giá thiết lập mức tăng hàng tháng mạnh nhất kể từ năm 2014. Trong tháng 7/2021, giá cà phê Arabica đã tăng 40%, kéo theo giá cà phê Robusta tăng 15%.
Giá cà phê Arabica và Robusta tăng vọt thời điểm xảy ra sương giá 2021 |
Không chỉ tại Brazil, sự xuất hiện của La Nina cũng gây ra những tác động đáng kể đến thị trường cà phê Việt Nam nói riêng và cà phê Robusta thế giới nói chung. Cuối năm 2022, dưới tác động của La Nina, mưa lớn xuất hiện liên tục tại vùng trồng cà phê chính nước ta đã làm gián đoạn quá trình thu hoạch của nông dân và kéo sản lượng cà phê đi xuống. Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), sản lượng cà phê năm 2022 giảm khoảng 10-15%, mở ra chu kỳ sụt giảm sản lượng trong những năm gần đây.
Các kịch bản giá trên thị trường cà phê vào cuối năm
Từ bài học trong quá khứ, MXV đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra đối với giá cà phê nội địa vào cuối năm khi La Nina thay thế El Nino:
Kịch bản thứ nhất: La Nina thay thế El Nino vào cuối năm nay, thúc đẩy mưa bão và lũ lụt xuất hiện thường xuyên tại khu vực Tây Nguyên. Kịch bản thời tiết năm 2022 sẽ tái hiện.
Mưa lũ diễn ra vào cuối năm, chính là giai đoạn thu hoạch cà phê tập trung vụ 2024-2025 tại Việt Nam. Sự bất thường của thời tiết sẽ làm cản trở hoạt động thu hoạch cà phê của nông dân. Điều này làm trì hoãn thời gian bổ sung nguồn cung ra thị trường. Hơn thế, tác động xấu từ thời tiết có thể làm giảm sản lượng cà phê vốn đã được dự báo ở mức thấp do gia tăng nguy cơ thối hỏng cà phê đã chín.
Như vậy, La Nina sẽ trực tiếp ảnh hưởng lên nguồn cung cà phê vụ 2024-2025 của Việt Nam, khiến tình trạng thâm hụt nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn. Với kịch bản này, MXV dự đoán, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam sẽ nhảy vọt và vượt mức đỉnh lịch sử được thiết lập trong tháng 4 vừa qua.
Kịch bản thứ hai: La Nina vẫn thay thế El Nino nhưng không có mưa bão, lũ lụt làm cản trở hoạt động thu hoạch của nông dân. Trong bối cảnh này, sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Việt Nam không đi theo chiều hướng tiêu cực hơn hiện tại.
Dù vậy, thị trường vẫn có tâm lý lo ngại về sự chuyển biến thời tiết, kết hợp cùng sản lượng vốn đã được dự báo ở mức thấp, khiến nguồn cung vẫn thiếu hụt và đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá. Với kịch bản này, MXV dự báo, giá cà phê vào cuối năm sẽ vẫn duy trì ở mức cao nhưng không thể vượt đỉnh lịch sử, mức gần 135.000 đồng/kg.
Sản lượng cà phê vụ 2024-2025 của Việt Nam dự báo ở mức thấp nhất 13 năm |
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh nhận định: “Dù kịch bản nào xảy ra, nguồn cung cà phê Robusta trên thế giới cũng như cà phê nội địa của Việt Nam vẫn sẽ thắt chặt trong vụ 2024-2025. Như vậy, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ sẽ tiếp tục neo ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước”.