Giá cà phê Robusta tạo đỉnh mới khi đồng USD giảm sâu

(Banker.vn) Giá Arabica bật tăng 3,17%, giá cà phê Robusta tăng thêm 2,18% thiết lập kỷ lục cao nhất do lo ngại nguồn cung từ khu vực Đông Nam Á sụt giảm.
Giá cà phê Robusta tăng ba phiên liên tiếp trong bối cảnh đồng USD giảm nhẹ và vàng tăng vọt Đồng USD suy yếu, giá cà phê xuất khẩu quay đầu phục hồi

Khép lại phiên giao dịch 7/3, giá Arabica bật tăng 3,17%, lên mức cao nhất trong một tháng và giá Robusta tăng thêm 2,18%, tạo đỉnh mới trong 30 năm. Rủi ro thiếu hụt nguồn cung là nhân tố chính khiến giá Robusta neo ở mức cao.

Nắng nóng dai dẳng tại vùng trồng cà phê của Việt Nam làm gia tăng mối lo ngại về triển vọng nguồn cung vụ mới kém khả quan. Thêm vào đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU đang ở vùng thấp lịch sử, với 23.750 tấn sau khi kết phiên 6/3.

Giá cà phê Robusta bật tăng khi đồng USD rớt xuống mức 102
Giá Arabica bật tăng 3,17%, lên mức cao nhất trong một tháng và giá Robusta tăng thêm 2,18%, tạo đỉnh mới trong 30 năm

Ngày 8/3, giá cà phê hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên được ghi nhận ở mức 90.400 đồng/kg (Lâm Đồng) đến 91.800 đồng/kg (Đắk Nông), tăng từ 1.400 – 1.700 đồng/kg so với ngày hôm trước.

Giá cà phê trên sàn London kỳ hạn giao tháng 5 cũng ở mức 3.381 USD/tấn, tăng 72 USD/tấn so với ngày 7/3.

Giá cà phê đã tăng liên tục từ đầu năm đến nay với mức tăng khoảng 50% và nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê đã tăng gấp đôi.

Một doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê tại Gia Lai dự báo giá cà phê sắp tới sẽ còn tăng tiếp, ít nhất trong trong 2 tháng tới khi thế giới có thêm nguồn cung cà phê các nước sản xuất khác như: Indonesia, Brazil. Các đỉnh giá tiếp theo có thể là 100.000 đồng/kg, thậm chí là 120.000 đồng/kg do tình trạng khan hiếm cà phê.

Với Arabica, sự hồi phục của tồn kho trên Sở ICE-US vẫn không đủ mạnh trước sức ép từ đồng USD. Cụ thể, chỉ số Dollar Index giảm 0,54% đã thu hút dòng tiền chảy vào các thị trường như cà phê và khiến lực mua trở nên áp đảo. Đồng thời, đồng USD suy yếu đã kéo tỷ giá USD/BRL giảm 0,2%. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp làm hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.

Giá cà phê Robusta bật tăng khi đồng USD rớt xuống mức 102

Giá cà phê liên tục lập kỷ lục, nông dân thắng lớn

Giá cà phê Robusta tăng vọt phần lớn là do lo ngại nguồn cung trong nước và châu Á sụt giảm. Hiện, cà phê tại thị trường Việt Nam rất khó mua, thương lái và doanh nghiệp phải đẩy giá lên rất cao.

Ở khu vực châu Á, Indonesia báo cáo xuất khẩu tháng 1/2024 giảm tới 79,73% so với cùng kỳ, đưa xuất khẩu 10 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại (từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024) chỉ đạt tổng cộng 1.935.960 bao, giảm 2.687.457 bao, tức giảm 60,72% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Dữ liệu báo cáo của ICE – Europe cho thấy tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát giảm thêm 1.180 tấn, tức giảm 4,81% so với một tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 23.350 tấn (khoảng 389.167 bao, bao 60 kg) tiếp tục đứng ở mức thấp từ năm 2014.

Rạng sáng nay trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,55%, xuống mốc 102,82.

Đồng USD giảm khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, Ngân hàng Trung ương Mỹ tự tin rằng lạm phát đang hướng tới mục tiêu 2%, và có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Trong khi Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê trong tháng 2/2024 chỉ đạt 160 ngàn tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ, do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn kéo dài.

Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) ước tính sản lượng niên vụ hiện tại 2023/2024 giảm thêm 10% so với vụ trước. Theo ghi nhận, cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam hiện rất khó mua, thương mại phải đẩy giá lên rất cao, cộng 220 – 280 USD/tấn so với giá kỳ hạn mới mua được hàng.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam khả năng giá Robusta vẫn sẽ neo ở vùng đỉnh 30 năm, ít nhất là hết quý I năm nay. Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô có thể còn thiết lập những mức đỉnh mới trước bối cảnh rủi ro nguồn cung ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tình trạng khô hạn kéo dài tại Tây Nguyên, vùng trồng cà phê chính của nước ta đang dẫn đến lo ngại triển vọng nguồn cung cà phê kém tích cực cho vụ mới 24/25.

Bên cạnh đó, vấn đề nguồn cung hiện tại chưa được giải quyết với căng thẳng Biển Đỏ kéo dài và lượng tồn kho thấp tại các thị trường tiêu thụ. Tính đến ngày 4/3, lượng Robusta trên Sở ICE-EU tiếp tục giảm 120 tấn, về còn 23.470 tấn, bấp bênh tại vùng thấp lịch sử.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương