Giá cà phê hôm nay 21/9/2022: Arabica "một mình lạc lõng" đi lên

(Banker.vn) Giá cà phê hôm nay thu mua trong khoảng 46.900 - 47.500 đồng/kg. Những đợt mưa vào tuần tới tại các vùng trồng cà phê Brazil góp phần hỗ trợ giá cà phê Arabica.

Giá cà phê hôm nay 18/9/2022: "Lẹt đẹt" dưới mốc 48.000 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay 19/9/2022: Robusta kéo dài xu hướng tiêu cực, giới đầu cơ rời thị trường

Giá cà phê hôm nay 20/9/2022: Chờ tín hiệu từ cuộc họp Fed

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2022 tăng 6 cent/lb, ở mức 221,1 cent/lb, giao tháng 3/2023 tăng 5,7 cent/lb, ở mức 215,45 cent/lb. Cùng với đó giá cà phê trên sàn SaoPaulo của Brazil cũng tăng theo.

Trong khi đó sàn London nghỉ khi Hoàng gia Anh tổ chức lễ tang Nữ hoàng Elizabeth II. Do đó giá Robusta giao tháng 9/2022 giữ ở mức 2.186 USD/tấn, giao tháng 11/2022 ở mức 2.202 USD/tấn. Đánh giá về nguyên nhân giúp sàn New York tăng mạnh, các chuyên gia cho biết do thông tin những đợt mưa vào tuần tới tại các vùng trồng cà phê Brazil góp phần hỗ trợ giá cà phê Arabica.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 20/9, giá cà phê thu mua trong khoảng 46.900 - 47.500 đồng/kg. Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 46.900 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 47.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê được thu mua cùng mức 47.400 đồng/kg. Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 47.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 47.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 47.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 47.300 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 47.400 đồng/kg.

Dù chưa giao dịch trong phiên đầu tuần, nhưng đà giảm của Robusta tuần này cũng lớn khi phần lớn giới đầu tư đều đang đứng ngoài thị trường, để quan sát và chờ thông tin chính thức về mức tăng lãi suất đồng USD của FED vài ngày tới. Ngoài ra sản lượng Robusta của Brazil cũng đạt mức cao trong lịch sử sau nhiều năm mở rộng diện tích trồng mới. Thông tin này tác động làm đà giảm của Robusta mạnh hơn Arabica.

Trong giai đoạn này, đồng USD tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn của dòng tiền, vì thế giá cả các loại hàng hóa đều chịu áp lực giảm giá, cà phê cả 2 sàn cũng không ngoại lệ. Kết thúc tuần trước Robusta để mất 2,26% giá trị, Arabica chịu ảnh hưởng nặng hơn khi để mất 6,74% giá trị.

Dự trữ cà phê của Brazil có thể giảm xuống mức thấp kỷ lục

Theo Bloomberg, một trong những chỉ báo về việc nguồn cung cà phê thế giới đang thiếu hụt thế nào chính là dữ liệu dự trữ của Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất toàn cầu.

Theo ông Silas Brasileiro, Chủ tịch Hội đồng Cà phê Brazil, hàng tồn kho ở quốc gia Nam Mỹ này có thể giảm xuống chỉ còn 7 triệu bao (60kg/bao) vào tháng 3/2023 - mức thấp nhất từ trước đến nay. Ngay cả khi lạc quan nhất, giới phân tích cho rằng tồn kho cà phê của Brazil cũng chỉ có thể dao động trong khoảng 9 - 12 triệu bao.

Nguồn cung cà phê của Brazil thấp gây ra tình trạng khan hiếm toàn cầu. Điều này đồng nghĩa giá cà phê có thể tăng cao hơn trong bối cảnh lạm phát lương thực vẫn đang kéo dài dai dẳng. Các kho dự trữ arabica do sàn ICE Futures giám sát đang ở mức thấp nhất trong 23 năm.

Trong khi đó, nhu cầu cà phê toàn cầu vẫn đang trên đà tăng. Theo các chuyên gia tại hEDGEpoint Global Markets, nhu cầu cà phê năm 2022 có thể tăng 1,5% trong năm nay sau khi tăng 2% vào năm ngoái.

Nelson Carvalhaes, thành viên hội đồng quản trị của tập đoàn xuất khẩu Cecafe, cho biết: “Dự trữ thấp đến mức ngay cả khi vụ mùa tiếp theo của Brazil có bội thu thì cũng không đủ đáp ứng được nhu cầu”

Nguồn cung hạn hẹp đã đẩy giá cà phê arabica giao sau tại New York hiện cao hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái và nhiều chuyên gia dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. “Giá cà phê toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng và những bất ổn về nguồn cung tại Brazil là một trong những nguyên nhân chính”, chuyên gia phân tích kinh tế cấp cao của ngân hàng Rabobank nhận định.

Các hãng cà phê lớn từ Starbucks Corp đến JDE Peet's NV, một trong những nhà rang xay lớn nhất châu Âu, đã tăng giá để theo kịp áp lực lạm phát.

Với tình hình hiện tại của Brazil, có rất ít giải pháp để khắc phục tình hình khan hiếm nguồn cung cà phê trên toàn cầu. Điều kiện thời tiết xấu do hiệu ứng La Nina được dự báo sẽ còn kéo dài trong vài tháng tới, gây ra tình trạng khô hạn nghiêm trọng tại Brazil. Đồng thời, lượng mưa thấp tại Colombia, quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, càng khiến nguồn cung bị siết chặt hơn.

Thời tiết bất lợi cũng đang xảy ra tại các nước trồng cà phê lớn Guatemala, Honduras và Nicaragua. Cùng lúc, tồn kho tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới, cũng đang giảm mạnh trong bối cảnh triển vọng sản lượng trong đợt thu hoạch tới không mấy khả quan.

Chuyên gia Natalia Gandolphi của công ty hEDGEpoint nhận định những dấu hiệu này cho thấy thị trường cà phê toàn cầu có thể đối mặt với năm thứ hai liên tiếp nhu cầu cao hơn nguồn cung - điều hiếm thấy từ trước đến nay.

Nguồn cung cà phê năm nay càng kém khả quan hơn khi một số nhà chế biến cho biết chất lượng hạt năm nay không được tốt, cỡ hạt nhỏ mà vỏ thì quá nhiều.

Hiện tại, vụ thu hoạch của Brazil gần như đã hoàn tất. Hợp tác xã sản xuất cà phê arabica lớn nhất Brazil Cooxupe dự báo sản lượng giảm 11% so với vụ trước.

Regis Ricco, một nhà tư vấn tại bang Minas Gerais, dự báo vụ mùa arabica của Brazil ở mức khoảng 30 triệu bao, thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 8 là 32 triệu bao. Lưu lượng xe tải giao hàng đến các hợp tác xã chậm hơn bình thường. "Cứ như thể chúng ta đang ở thời điểm trái vụ cà phê vậy", ông Regis Ricco nói.

Thu Uyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục