Giá cả hàng hóa sau tăng lương 1/7/2024 và những giải pháp ổn định những tháng cuối năm 2024

(Banker.vn) Đợt tăng lương cơ sở lên mức 2,34 triệu đồng kể từ ngày 1/7 đã mang lại nhiều lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức và người được thụ hưởng chính sách.
Thị trường, giá cả hàng hóa năm 2023 và những dự báo cho năm tới Giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao ảnh hưởng đến đời sống dân cư

Từ 1/7/2024 công chức nhà nước được tăng lương 30%, người về hưu tăng 15%, đó là tin vui với mọi người được hưởng chế độ mới của Nhà nước khi mức hưởng cao hơn nhiều so với các kỳ tăng lương trước đây. Đây là một sự cố gắng của Nhà nước khi điều kiện thu chi tài chính trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, dư luận xã hội đều chú ý đến việc liệu có tăng giá hàng hóa trước sau khi tăng lương hay không. Bởi nếu tăng lương mà không giữ được ổn định giá cả một cách tương đối thì đời sống của người dân không được cải thiện nhiều, việc tăng lương sẽ bớt đi vài phần ý nghĩa.

Giá cả hàng hóa sau tăng lương 1/7/2024 và những giải pháp ổn định những tháng cuối năm 2024
Cần nhiều giải pháp ổn định thị trường hàng hoá những tháng cuối năm 2024 (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Chính phủ đã nhận thức sớm vấn đề này và đã có công điện gửi các địa phương, bộ ngành trong cả nước về việc kiểm soát giá cả sau tăng lương, đảm bảo không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, xử lý nghiêm các hiện tượng đầu cơ nâng giá bất hợp pháp và vô lý trên thị trường sau khi tăng lương. Quan sát trên thị trường một tháng vừa qua sau tăng lương, có thể thấy điểm đáng mừng là nhìn chung, các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của các gia đình tương đối ổn định, giá chỉ tăng lẻ tẻ ở một số chợ dân sinh, cửa hàng của tiểu thương.

Còn tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong cả nước, với sức mạnh thu mua hàng hóa của mình, các đơn vị đã về cơ bản đảm bảo được hàng hóa phong phú dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Ngoài ra còn có các đợt khuyến mại tập trung giảm giá từ 10-20% cho một số mặt hàng, đem lại dư luận xã hội tốt về việc phục vụ tốt cho đời sống dân sinh.

Đạt được những vấn đề trên ngoài yếu tố quản lý của các địa phương và các ngành thì một yếu tố cũng cần nhấn mạnh đó là sản xuất trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp đã phát triển mạnh. Giá cả hàng hóa dồi dào phong phú, mua bán thuận tiện, các phương thức bán hàng ngày càng đa dạng, bao gồm cả bán hàng trực tiếp và bán hàng onlnie trên các nền tảng số. Việc kinh doanh cũng đã cắt bỏ các khâu trung gian không cần thiết - một yếu tố làm đẩy giá bán lẻ tăng vô lý trên thị trường nội địa.

Nhờ đó, sau 7 tháng, Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân chỉ tăng 4,2% so với năm trước. Đó là một kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định giá cả từ nay đến cuối năm chúng ta không thể chủ quan mà cần phải tiếp tục có những giải pháp mạnh để thực hiện việc ổn định giá cả thị trường, bao gồm những biện pháp chính sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy sản xuất phát triển đảm bảo hàng hóa dồi dào, đi đôi với tổ chức hệ thống vận chuyển, logistics, phát triển hệ thống phân phối rộng khắp.

Thứ hai, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, đầu cơ tăng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm những vi phạm, khen thưởng thích đáng những đơn vị làm ăn tử tế, có trách nhiệm với người tiêu dùng.

Thứ ba, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cần khuyến khích việc sản xuất kinh doanh với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong mấy năm qua.

Chúng ta tin tưởng rằng với sự nỗ lực chủ quan và sự chỉ đạo sát sao kịp thời của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cấp trên, nhiệm vụ phấn đấu CPI cả năm 2024 bình quân từ 4-4,5% mà Quốc hội đề ra chắc chắn sẽ đạt được.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Theo: Báo Công Thương