Giá bán tôm của Việt Nam cao hơn các nước do dịch vụ logistics yếu!

(Banker.vn) Giá bán tôm của Việt Nam cao hơn của Ấn Độ 2 USD/kg và Ecuador 4 USD/kg do dịch vụ logistics yếu. Đây là rào cản lớn làm giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu.
Bộ Công Thương và tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phát triển dịch vụ logistics
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm việc tại Hải Phòng về Đề án phát triển dịch vụ logistics Doanh nghiệp FDI băn khoăn về dịch vụ logistics khi tìm hiểu đầu tư tại Đà Nẵng

Dịch vụ logistics của Việt Nam còn thiếu và yếu

Tại hội thảo “Logistics thúc đẩy liên kết ngành và nâng cao chuỗi giá trị” do Hiệp hội Logistics Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tổ chức diễn ra sáng 28/6 tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết: Thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam xếp 43/155 nước và vùng lãnh thổ về chỉ số LPI (chỉ số hiệu quả logistics); theo Agility - Việt Nam xếp 11/50 thị trường logistics mới nổi; còn theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển đạt 14-16% với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD mỗi năm.

Giá bán tôm của Việt Nam cao hơn các nước do dịch vụ logistics yếu!
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho rằng, dịch vụ logistics của Việt Nam đang thiếu những doanh nghiệp đầu tàu

Con số của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, hiện có 43.568 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải kho bãi; có 5.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 3PL (hậu cần bên thứ 3). Tuy nhiên, có đến 95% doanh nghiệp hoạt động là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Nguyễn Thanh Hải đánh giá, đến thời điểm hiện tại, đa số các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam mới chỉ hoạt động ở trong phạm vi của đất nước. Số doanh nghiệp Việt Nam đi ra được nước ngoài - tức là thành lập được doanh nghiệp, thành công ty con, có văn phòng đại diện ở nước ngoài thì còn rất ít. Trong khi đó lại có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam lập văn phòng, lập chi nhánh, thậm chí công ty 100% vốn nước ngoài ngay trong lĩnh vực logistcis.

Từ đó, ông Hải nhìn nhận thị trường logistics của Việt Nam hiện đang rất hẹp, do đó cần phải thúc đẩy các doanh nghiệp đi ra ngoài và tìm kiếm thị trường ở bên ngoài. Trước hết, đó có thể là thị trường của các nước láng giềng như là Lào, Campuchia, Myanmar cho đến Trung Quốc, Thái Lan… Đây đều là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hạ tầng logistics kết nối với hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin cả trong nước và khu vực còn chưa cao. Chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện có sự cạnh tranh gay gắt hay thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong ngành.

Ông Hải cho rằng, hiện trong nước đang rất thiếu những doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp đầu tàu để có thể tạo ra những xu hướng, tạo ra những con sóng, tạo ra những định hướng để lôi kéo và thúc đẩy dịch vụ logistics trong nước phát triển.

Dịch vụ logistics về vận tải lạnh chưa đáp ứng được nhu cầu

Bà Trần Hoàng Yến - Phó Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngành thuỷ sản đang gặp vấn đề lớn về việc thiếu kho lạnh, nhất là khi cao điểm hoặc khi gặp khó khăn về thị trường.

Thực tế, kho đông lạnh bảo quản đóng vai trò không thể thiếu trong quy trình sản xuất, cung ứng thủy sản, đảm bảo chất lượng của sản phẩm thuỷ sản. Thậm chí, điều kiện bảo quản của kho lạnh quyết định đến chất lượng của sản phẩm thủy sản.

Hiện hầu hết các doanh nghiệp thuỷ sản đều phải đầu tư kho bảo quản đông lạnh để hoàn chỉnh quy trình, tuy nhiên công suất này thường chỉ đủ cho chính doanh nghiệp đó trong ít ngày sản xuất.

Hơn nữa, kho thương mại dịch vụ cho thuỷ sản đông lạnh xuất nhập khẩu chủ yếu ở miền Nam, còn miền Bắc và miền Trung vẫn còn hạn chế.

Về vấn đề vận chuyển, đại diện VASEP cho hay, thực tế ngành thuỷ sản vận chuyển trong nội địa chủ yếu bằng đường bộ, chưa có nhiều tuyến đường sắt và đường thuỷ. Chi phí cao, nhiều phát sinh và đây là vấn đề các doanh nghiệp thuỷ sản đều có kiến nghị.

Giá bán tôm của Việt Nam cao hơn các nước do dịch vụ logistics yếu!
Dịch vụ logistics về vận tải lạnh của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu, làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng thủy sản xuất khẩu

Từ thực tế về dịch vụ logistics này, bà Yến đưa ra một con số so sánh để thấy rõ, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đang chịu thiệt thòi so với các doanh nghiệp nước ngoài đó là: Hiện tại giá bán tôm của Việt Nam cao hơn của Ấn Độ 2 USD/kg và cao hơn của Ecuador 4 USD/kg, điều này làm giảm sức cạnh tranh của xuất khẩu thủy sản Việt Nam mà một phần nguyên nhân đến từ dịch vụ logistics.

Ông Nguyễn Công Cường - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội (HAMI), Chủ tịch Công ty NCC lại cho rằng, trong hệ thống logistics, đường bộ vẫn chiếm phần lớn trong việc vận chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên việc phát triển và duy trì đường bộ đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng và bảo trì, từ việc xây dựng đường, cầu, cao tốc đến việc duy trì hệ thống giao thông. Chi phí này thường được chuyển cho người tiêu dùng thông qua giá cước vận chuyển, gây tăng chi phí cho hoạt động logistics.

Theo ông Cường, sự chưa đồng bộ trong hệ thống giao thông gây ra sự gián đoạn và lãng phí thời gian trong quá trình vận chuyển. Các bất cập như ùn tắc giao thông, thiếu cơ sở hạ tầng, quy định pháp lý không rõ ràng, công tác quản lý dẫn đến tăng thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa.

Là doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất công nghiệp, ông Cường đánh giá cơ sở hạ tầng bến bãi và đường xá cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý hàng hóa và vận chuyển.

Tuy nhiên, việc thiếu đầu tư và bảo trì cơ sở hạ tầng này có thể gây ra hạn chế và trì hoãn trong quá trình logistics. Việc nâng cấp và cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ đòi hỏi sự đầu tư lớn và có ảnh hưởng đến chi phí logistics.

Từ thực tế này, các hiệp hội, doanh nghiệp đều đưa ra đề xuất, kiến nghị giúp cải thiện hệ thống logistics hiện nay. Với riêng về hệ thống logistics cho xuất khẩu thủy sản, bà Trần Hoàng Yến đưa ra đề xuất, Chính phủ cần có cơ chế về đất đai và ưu đãi nguồn vốn trung, dài hạn để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn cho hê thống kho bảo quản đông lạnh và kho bãi đạt tiêu chuẩn.

Tăng cường năng lực và khả năng của các doanh nghiệp dịch vụ vận tải biển Việt Nam. Bên cạnh đó, bà Yến cũng kiến nghị, về lâu dài, Chính phủ và các địa phương cần đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng logistics của nghề cá như cảng cá, chợ cá... Đây là mô hình các nước phát triển về xuất khẩu thủy sản đã áp dụng và rất thành công.

Nguyễn Duyên

Theo: Báo Công Thương