Thị trường hàng hóa: Giá bạc tiếp tục tăng lên 32,11 USD/ounce Thị trường hàng hoá: Giá bạc sắp vượt ngưỡng 33 USD/ounce Thị trường hàng hóa: Giá bạc tiến sát mốc 35 USD/ounce |
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới vừa trải qua một tuần biến động rất mạnh và nhiều bất ngờ. Toàn bộ thị trường năng lượng và kim loại chìm trong sắc đỏ. Chỉ số MXV-Index lao dốc tới hơn 6,5% xuống mức 2.148 điểm - tốc độ giảm mạnh chưa từng thấy kể từ đầu năm cho tới nay.
![]() |
Chỉ số MXV-Index |
Giá bạc giảm 16%, rơi khỏi vùng 34 USD/ounce
Theo (MXV) kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, giá bạc giảm mạnh 16% xuống còn 29,23 USD/ounce, trong khi bạch kim mất 7,7%, lùi về mức 902 USD/ounce. Quyết định áp thuế đối ứng toàn cầu của Mỹ đã khiến thị trường kim loại quý chao đảo khi lo ngại leo thang căng thẳng thương mại có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất tăng cao và nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh.
![]() |
Bảng giá kim loại |
Phần lớn nhu cầu bạc và bạch kim đến từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Khoảng 60% bạc được sử dụng trong các ngành thiết bị điện - điện tử và hợp kim hàn, trong khi gần 70% bạch kim phục vụ ngành sản xuất ô tô và công nghệ cao. Suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng tiêu thụ hai kim loại này, tạo áp lực khiến giá tiếp tục lao dốc. Bên cạnh đó, giá kim loại quý còn chịu sức ép từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao lâu hơn dự kiến. Theo JP Morgan, nếu Mỹ áp thuế 25% lên xe nhập khẩu, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi có thể tăng lên mức 3,1% vào cuối năm nay, vượt xa mục tiêu 2% của FED. Điều này sẽ làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD và giảm sức hút của nhóm kim loại quý.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm hơn 14% so với đầu tuần, xuống còn 9.704 USD/tấn, trong khi giá quặng sắt giảm 1,57%, chốt ở mức 100,6 USD/tấn. Thuế đối ứng cao hơn dự kiến đã làm xói mòn kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu, khiến triển vọng tiêu thụ đồng chịu áp lực lớn. Citigroup dự báo giá đồng có thể giảm thêm 8-10% trong vài tuần tới.
Mặc dù đồng hiện không nằm trong danh sách các mặt hàng chịu thuế đối ứng, nhưng chính quyền Mỹ đang điều tra khả năng áp thuế riêng đối với mặt hàng này. Trước tình hình đó, Tập đoàn Codelco (Chile), nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới, cho biết đang chuyển hướng một phần doanh số bán giao ngay sang thị trường Mỹ để đáp ứng nhu cầu nội địa. Trong năm 2024, Codelco ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 790 triệu USD, đảo chiều so với mức lỗ 757 triệu USD năm trước nhờ sản lượng phục hồi và chi phí giảm.
Đối với quặng sắt, giá đang chịu áp lực lớn từ tình trạng dư cung gia tăng trong bối cảnh nhu cầu suy yếu. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), công suất dư thừa của ngành thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 602 triệu tấn năm 2024 lên 721 triệu tấn vào năm 2027. Ngay cả các nhà sản xuất thép có năng lực cạnh tranh cao cũng sẽ đối mặt với áp lực lớn từ tình trạng dư cung này. Tổng giám đốc Hiệp hội Thép châu Âu (EUROFER) đã kêu gọi Liên minh Châu Âu triển khai các biện pháp bảo hộ thương mại hiệu quả hơn để ứng phó với làn sóng thép giá rẻ từ Trung Quốc.
Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ vừa ban hành chính sách ưu tiên sử dụng thép nội địa trong các gói thầu công nhằm bảo vệ ngành thép trước sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu giá rẻ. Là quốc gia tiêu thụ quặng sắt lớn thứ hai thế giới, động thái này có thể làm gia tăng nguồn cung thép toàn cầu. Trong bối cảnh thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường, quyết định của Ấn Độ nhiều khả năng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư cung và tạo áp lực giảm giá lên nguyên liệu đầu vào như quặng sắt.
Giá dầu WTI lao dốc xuống sát 60 USD/thùng
Thị trường dầu thô vừa chứng kiến một tuần biến động và đầy bất ngờ. Kỳ vọng giá dầu neo trên vùng 80 USD/thùng bỗng trở nên mong manh hơn bao giờ hết chỉ sau vài phiên giao dịch. Kết thúc phiên cuối tuần (4/4), giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021, cắt đứt chuỗi tăng ba tuần liên tiếp. Trong đó, giá dầu thô Brent đánh mất 9,8% xuống 65,58 USD/thùng; giá dầu thô WTI lao dốc 10,6% xuống còn 61,99 USD/thùng.
![]() |
Bảng giá năng lượng |
Trong ngày thứ Sáu 4/4; Trung Quốc, nguồn cầu dầu lớn thế giới, đã công bố một loạt biện pháp đáp trả, bao gồm mức thuế suất 34% lên tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ cũng như các hàng rào mới trong việc xuất khẩu đất hiếm.
Bảng giá hàng hóa thế giới tràn ngập sắc đỏ, trong đó có năng lượng. Mức giảm của hai mặt hàng quan trọng là dầu Brent và dầu WTI trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu còn mạnh hơn cả phiên giao dịch trước đó ngày 3/4. JPMorgan đã dự báo khả năng xảy ra giảm phát kinh tế toàn cầu đã leo từ 40% lên 60%.
Trước đó; trong ba phiên giao dịch đầu tuần, các nhà đầu tư vẫn giữ sự lo lắng nhất định về tình hình nguồn cung dầu trên toàn cầu. Ảnh hưởng từ những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào dầu thô Iran và Venezuela đã giúp giá dầu có hai phiên dịch tăng giá vào thứ Hai 31/3 và thứ Tư 2/4.
Tuy nhiên, những lo ngại này đã được giải quyết phần nào trong tuần này bởi những động thái mới nhất từ OPEC+. Ngoài việc triển khai kế hoạch tăng sản lượng của tháng từ ngày 1/4, OPEC+ cũng đã bất ngờ công bố việc tăng mạnh sản lượng trong tháng 5.
Theo OPEC, những đánh giá về “nền tảng bền vững và triển vọng thị trường tích cực” trong Hội nghị Bộ trưởng nhóm OPEC+ diễn ra vào ngày 3/4 đã khiến OPEC+ thay đổi kế hoạch tăng sản lượng, tăng từ 135.000 thùng/ngày lên tới 411.000 thùng/ngày.
Một thông tin đáng chú ý khác là về sản lượng dầu của Kazakhstan, một thành viên của OPEC+, khi mà con số này đang liên tục tăng và lập kỷ lục mới trong cả hai tháng 2 và 3, vượt ngưỡng 2 triệu thùng/ngày. Thế nhưng, con số này đang vượt quá xa hạn mức cho phép trước đó của OPEC+ là 1,47 triệu thùng/ngày. Điều này đang khiến Kazakhstan gặp phải những áp lực từ các nước thành viên OPEC+ khác về việc cắt giảm phần sản lượng dư thừa.
Giá một số loại hàng hóa khác
![]() |
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
![]() |
Bảng giá nông sản |