Geleximco cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn

(Banker.vn) Tính đến ngày 30/6/2023, Geleximco còn 4 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị đạt khoảng 3.871 tỷ đồng.
Geleximco cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Tập đoàn Geleximco – CTCP.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả mua lại trái phiếu trước hạn của Tập đoàn Geleximco – CTCP. Cụ thể, từ ngày 29/5 - 5/6, Geleximco đã mua lại 22 tỷ đồng trái phiếu của lô trái phiếu GLXCH2123001, qua đó giảm số lượng trái phiếu đang lưu hành xuống còn 745 tỷ đồng.

Theo đó, tính từ ngày 11/5 – 5/6, Geleximco đã nhiều lần mua lại trái phiếu trước hạn đối với lô trái phiếu GLXCH2123001, tổng giá trị ước tính đạt 255 tỷ đồng. Được biết, lô trái phiếu GLXCH2123001 được phát hành từ ngày 10/11/2021 có tổng giá trị theo mệnh giá 1.000 tỷ đồng và phải mất hơn 2 tháng để hoàn tất, là trái phiếu được phát hành ở thị trường trong nước, được đáo hạn vào ngày 10/11/2023.

Theo báo cáo tình hình thanh toán gốc lãi bán niên 2023, tính đến ngày 30/6/2023, Geleximco còn 4 lô trái phiếu đang lưu hành với tổng giá trị đạt khoảng 3.871 tỷ đồng, gồm lô trái phiếu GELEXIMCO.BOND.2020.2023 (1.147,4 tỷ đồng), GLXCH2123001 (735,5 tỷ đồng), GLXCH2124002 (979,73 tỷ đồng) và GLXCH2123003 (1.008 tỷ đồng).

Theo đó, trong 3 tháng cuối năm 2023, Geleximco chỉ phải thanh toán lãi cho các lô trái phiếu GLXCH2123001 (47,1 tỷ đồng), GLXCH2124002 (55,3 tỷ đồng) và GLXCH2123003 (47,4 tỷ đồng). Còn lô trái phiếu GLXCH2124002 sẽ được Geleximco đáo hạn vào năm 2024.

Geleximco cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn
Từ ngày 29/5 - 5/6, Geleximco đã mua lại 22 tỷ đồng trái phiếu của lô trái phiếu GLXCH2123001, qua đó giảm số lượng trái phiếu đang lưu hành xuống còn 745 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Geleximco – CTCP tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco, được thành lập từ năm 1993 với số vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Geleximco có 4 lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất công nghiệp, tài chính – ngân hàng, bất động sản và thương mại dịch vụ.

Năm 2001, doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ lên 50 tỷ đồng và hợp tác với Tập đoàn LILAMA đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Thăng Long với tổng mức đầu tư lên tới 350 triệu đô. Hiện tại, vốn điều của lệ của doanh nghiệp này đạt 9.600 tỷ đồng. Sau 30 năm, Geleximco hiện là một trong những tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam.

Điểm qua về tình hình kinh doanh, năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Geleximco giảm mạnh từ 488 tỷ đồng của năm 2021 xuống chỉ còn 66 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Geleximco là 11.516 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 0,57%.

Về cơ cấu nợ, hệ số nợ của Geleximco là 1,43 lần, tương ứng với tổng nợ phải trả lên tới 16.467 tỷ đồng, cao hơn gần 40% so với vốn chủ sỡ hữu. Tổng tài sản đạt 28.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu đạt 4.145 tỷ đồng do trong năm 2022, Geleximco đã phát hành thành công nhiều lô trái phiếu.

Với lĩnh vực bất động sản, Geleximco được biết đến với nhiều dự án “đình đám” như dự án Dragon Ocean Do Son (Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng) tại TP Hải Phòng, Khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza, khu đô thị An Bình City...

Đáng chú ý, đầu tháng 9 vừa qua, UBND phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đã bàn giao các bản vẽ, hồ sơ kèm theo Quyết định 3933 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị thành phố giao lưu tỉ lệ 1/500 tại lô đất ký hiệu KS (thuộc Dự án Ngôi sao An Bình 2) do Geleximco làm chủ thầu.

Trong đó, diện tích lô đất điều chỉnh quy hoạch có diện tích khoảng 9.973m2 (tại dự án Ngôi sao An Bình 2) được xác định chức năng là đất khách sạn. Với điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Khu đô thị thành phố giao lưu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Tập đoàn Geleximco có trách nhiệm hoàn thiện các thủ tục dự án có liên quan đến quản lý quy hoạch, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, nghĩa vụ tài chính.

Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng , Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu một số doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank), Công ty CP Chứng khoán An Bình, Công ty CP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình... Trong đó, Geleximco đang nắm giữ 12,8% cổ phần của ABBank, là cổ đông lớn thứ hai sau Malayan Banking Berhad (Maybank).

Còn đối với lĩnh vực thương mại - dịch vụ, Geleximco sở hữu dự án sân golf Geleximco Hòa Bình – Hilltop Valley Golf Club. Hiện tại, doanh nghiệp này đang có ý định đầu tư vào những dự án sân golf kết hợp du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn ở Lào Cai, Hải Phòng…

Năm 2022, Geleximco càng trở nên “nổi tiếng” với thông tin ký kết thỏa thuận thuê đất, hạ tầng… để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô với tổng vốn đầu tư lên đến 800 triệu USD (gần 19.000 tỷ đồng) tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Tuy nhiên, giữa tháng 9 vừa qua, Geleximco “rơi vào tầm ngắm” của Tổng cục Thuế khi nằm trong danh sách 42 doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra chuyên ngành năm 2023 với lĩnh vực bất động sản.

30 năm Geleximco: Từ doanh nghiệp nhỏ đến tập đoàn nghìn tỷ

30 năm hình thành và phát triển, Geleximco từ một công ty xuất nhập khẩu nhỏ với số vốn chưa tới 3 tỷ đồng và ...

Những giá trị “vàng” của thương hiệu bất động sản Geleximco

Được quy hoạch tại các vị trí đắc địa và sở hữu hệ thống tiện ích hoàn hảo, những dự án mang thương hiệu Geleximco ...

Nóng: Hàng loạt "ông lớn" địa ốc "lọt" danh sách kiểm tra của Tổng cục Thuế

Trong số 42 doanh nghiệp bị kiểm tra bởi Tổng cục Thuế, có nhiều “gương mặt thân quen” trong lĩnh vực bất động sản, xây ...

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán