Gelex của đại gia Tuấn 'Mượt': Cấp tập mua lại TPDN trước hạn, NĐT ngoại miệt mài mua gom cổ phiếu

(Banker.vn) Trong thời gian gần đây, các quỹ thành viên thuộc Dragon Capital liên tiếp mua vào hàng triệu cổ phiếu GEX của Công ty CP Tập đoàn Gelex. Nguyên nhân được cho là đến từ triển vọng của mảng kinh doanh cốt lõi.
Cổ phiếu GEX của Gelex liên tiếp được khối ngoại mua vào trong thời gian gần đây
Cổ phiếu GEX của Gelex liên tiếp được khối ngoại mua vào trong thời gian gần đây.

Theo dữ liệu sàn HOSE vừa công bố, các quỹ thành viên thuộc Dragon Capital quản lý đã mua thêm 3 triệu cổ phiếu GEX qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của cả nhóm từ 5,68% lên 6,03%. Trong đó, Grinling International Limited mua 2 triệu cổ phiếu và VEIL mua 1 triệu cổ phiếu. Trước đó, nhóm Dragon Capital đã trở thành cổ đông lớn của GEX từ ngày 1/12 sau khi mua gần 5,2 triệu GEX .

Vào cuối tháng 11/2022 quỹ thuộc Dragon Capital quản lý vừa thông báo đã mua vào tổng cộng gần 5,2 triệu. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm đã tăng từ 4,74% (40,34 triệu cổ phiếu) lên mức 5,34% (45,49 triệu cổ phiếu) và chính thức trở thành cổ đông lớn của Gelex.

Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý III/2022, Gelex ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.014 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 228,4 tỷ đồng, giảm gần 36% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Gelex là 24.729 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.305,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 12,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến ngày 30/9/2022, nợ phải trả của Gelex ghi nhận gần 33.000 tỷ đồng, nợ vay tài chính chiếm hơn 53,4% ghi nhận hơn 17.600 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong khoản nợ vay tài chính của Gelex, các khoản vay liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của Gelex giảm mạnh so với đầu năm từ gần 5.900 tỷ đồng xuống còn gần 2.500 tỷ đồng.

Diễn biến này khá phù hợp với động thái “cấp tập” mua lại trái phiếu trước hạn của Gelex kể từ quý II đến nay. Gelex cũng là một trong những doanh nghiệp thuộc danh sách mua lại trái phiếu trước hạn nhiều nhất.

Điều đáng nói ở đây, trái phiếu là kênh huy động vốn thường dùng để thực hiện các dự án, kế hoạch kinh doanh mang tính trung, dài hạn. Tuy nhiên, việc ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn, thậm chí là mới phát hành được vài tháng, là động thái khiến giới phân tích lo ngại.

Có ý kiến cho rằng, từ “sự cố” Tân Hoàng Minh, rồi đến Vạn Thịnh Phát khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp đứng trước thách thức mới trong nỗ lực làm minh bạch hóa thị trường khiến các doanh nghiệp và người mua đều thận trọng hơn với hình thức huy động vốn này.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn còn có nguyên nhân đến từ việc Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ có hiệu lực vào 16/9/2022 đã bổ sung một nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề này.

Cụ thể, doanh nghiệp phát hành phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành; trong đó, có phương án sử dụng vốn hoặc vi phạm pháp luật. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường mua lại nhằm giảm áp lực đáo hạn và giải quyết các lô trái phiếu có thể gặp bất lợi bởi quy định mới.

Đánh giá về tình hình kinh doanh trong giai đoạn tới của Gelex, báo cáo của CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết, mảng thiết bị điện của công ty sẽ được hưởng lợi từ quy hoạch điện VIII và mảng năng lượng tái tạo sẽ mang lại nguồn thu lớn ổng định cho Gelex. Công ty cũng đang chuẩn bị phát triển 1.900 ha diện tích khu công nghiệp và đang tiến hành nghiên cứu khả thi cho khu phức hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ quy mô 4.300 ha.

Tuệ Minh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán