|
Theo số liệu được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/4, GDP của nước này giảm 1,4% trong quý đầu tiên của năm 2022. Đây là mức giảm mạnh so với quý IV/2021, đánh dấu sự đảo chiều đột ngột đối với nền kinh tế đang đạt thành tích tốt nhất kể từ năm 1984.
Đà suy giảm đến chủ yếu từ hai nhân tố biến động mạnh nhất trong báo cáo quý vừa qua, đó là hàng tồn kho và thương mại quốc tế có mức thâm hụt tăng cao. Chi tiêu chính phủ đứng ở mức thấp cũng là một rào cản đối với tăng trưởng.
Simona Mocuta, trưởng nhóm kinh tế tại State Street Global Advisors cho biết: “Đây có thể được coi là một báo cáo quan trọng. Thực tế, GDP đã tăng trưởng rất tốt vào năm 2021, nhưng mọi thứ đang thay đổi.”
Rất nhiều yếu tố được cho là sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của Mỹ trong ba tháng đầu năm 2022. Biến thể Omicron gia tăng vào đầu năm đã cản trở hoạt động của nền kinh tế trên diện rộng, trong khi lạm phát tăng cao ở mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980, căng thẳng giữa Nga – Ukraine cũng góp phần làm đình trệ nền kinh tế.
Giá cả tăng mạnh tăng mạnh trong quý I với chỉ số giảm phát GDP tăng 8%, sau mức tăng 7,1% trong quý IV/2021.
Đầu tư vào hàng tồn kho tư nhân – yếu tố thúc đẩy GDP trong nửa cuối năm 2021 – giảm tốc đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Những hạn chế khác đến từ xuất khẩu và chi tiêu của chính phủ ở các chính quyền tiểu bang, liên bang và địa phương, cũng như nhập khẩu gia tăng.
Chi tiêu quốc phòng giảm 8,5% - mất một phần ba điểm phần trăm so với số liệu GDP cuối cùng – cũng là nguyên nhân gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, chỉ số chi tiêu của người tiêu dùng vẫn tăng khá tốt trong quý, tăng 2,7% do lạm phát tiếp tục gây áp lực lên giá cả. Dù vậy, việc thâm hụt thương mại ngày càng gia tăng đã khiến tăng trưởng giảm 3,2 điểm phần trăm do nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.
Bất chấp thông tin không mấy tích cực này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng về tổng thể, kinh tế Mỹ sẽ lấy lại được đà tăng trưởng vừa phải kể từ quý II trở đi, một phần là chi tiêu tiêu dùng và chi tiêu doanh nghiệp vẫn khá tích cực. Ông Ian Shepherdson, trưởng nhóm kinh tế tại Pantheon Macroeconomics, cho biết: “Cán cân thương mại đã bị ảnh hưởng bởi nhập khẩu gia tăng, đặc biệt là hàng tiêu dùng. Điều này không thể kéo dài lâu hơn nữa, nhập khẩu đến hạn sẽ giảm hẳn, và xuất khẩu ròng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý 2 hoặc quý 3”.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) đã lên kế hoạch ban hành một loạt các đợt tăng lãi suất nhằm nỗ lực kiểm soát lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 5,2% trong quý, cao hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 2% của Ngân hàng Trung ương.
Định giá thị trường hiện tại cho thấy, với 10 lần điều chỉnh lãi suất, tương đương 1/4 điểm phần trăm, sẽ đưa lãi suất chuẩn của Fed lên khoảng 2,75% vào cuối năm nay. Điều này xảy ra sau hai năm lãi suất gần bằng 0, nhằm mục đích phục hồi sau suy thoái kinh tế mạnh nhất trong lịch sử Mỹ.
Cùng với đó, Fed đã tạm dừng chương trình mua trái phiếu hàng tháng để giữ lãi suất thấp và dòng tiền chảy qua nền kinh tế. Fed sẽ bắt đầu thu hẹp dần lượng trái phiếu nắm giữ hiện tại ngay trong tháng tới, với tốc độ dự kiến đạt mức cao nhất là 95 tỷ USD một tháng.
Trong khi các nhà kinh tế kỳ vọng Mỹ sẽ tránh được cuộc suy thoái toàn diện, thì rủi ro đang gia tăng.
Goldman Sachs nhận thấy khoảng 35% khả năng nền kinh tế tăng trưởng âm kể từ giờ cho đến cuối năm. Deutsche Bank dự đoán suy thoái nền kinh tế sẽ kéo dài vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, và Fed sẽ phải thắt chặt lãi suất hơn nữa để giảm lạm phát.
Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, GDP của nước này năm 2021 là 5,7%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 1984. Trong khi chi tiêu tiêu dùng chiếm gần 70% nền kinh tế Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng trong nửa đầu năm 2021, thì một lượng hàng tồn kho được tích trữ sau khi đại dịch suy giảm, chiếm gần như toàn bộ mức tăng trưởng trong hai quý cuối năm.
Để duy trì tốc độ tăng trưởng đó vào năm 2022, việc nới lỏng các chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn là cần thiết, cùng một số giải pháp tại Ukraine. Nền kinh tế Mỹ sẽ phải đối mặt với áp lực từ lãi suất cao hơn do không chỉ Fed mà các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng đang tham gia vào cuộc chiến chống lạm phát.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|