Gạo Việt dịp Tết vẫn giữ giá cao, gạo Thái giảm giá mạnh

(Banker.vn) Thị trường xuất khẩu gạo trong những ngày nghỉ Tết năm nay diễn biến lạ khi giá gạo Thái bất ngờ giảm mạnh tới 24 USD/tấn, còn gạo Việt đứng im.
Giá gạo Việt liên tục giảm, giá thế giới xu hướng tăng cao Điểm danh các quốc gia sẽ nhập khẩu nhiều gạo nhất trong năm 2024 Mua bán cầm chừng kéo giá gạo toàn cầu giảm mạnh tới 20 USD/tấn

Trúng gói thầu lớn giúp gạo Việt duy trì giá cao

Thông tin cập nhật ngày 14/2 từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) cho thấy, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của nước này hiện ở mức 615 USD/tấn - giảm đến 24 USD/tấn so với tuần trước. Mức giá này nếu so với cuối tháng 1/2024 giảm đến 40 USD/tấn (cuối tháng 1/2024 gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan ở mức 655 USD/tấn).

Gạo Việt dịp Tết vẫn giữ giá cao, gạo Thái giảm giá mạnh
Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ Đông xuân

Trong khi đó, giá gạo cùng phẩm cấp của Việt Nam vẫn giữ nguyên mức giá 637 USD/tấn bởi đang trong kỳ nghỉ Tết. Đây được cho là diễn biến lạ so với nhiều năm trước bởi các năm trước cùng thời điểm này gạo Thái Lan thường tăng giá nhờ Việt Nam nghỉ Tết.

Lý giải hiện tượng này, theo TREA các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đã có khởi đầu năm mới tốt hơn khi trúng thầu trên 400.000 tấn gạo trong đợt mở thầu cuối tháng 1/2024 từ Indonesia (các nhà xuất khẩu Thái Lan không tham gia gói thầu này).

Việc không có đơn hàng lớn bên cạnh biến động tỉ giá khiến các doanh nghiệp Thái Lan phải giảm giá gạo để tăng sức cạnh tranh. Một yếu tố khác khiến giá gạo Thái Lan giảm là vì Chính phủ nước này muốn thúc đẩy các hoạt động thương mại theo hình thức liên chính phủ (G-G), nhưng các khách hàng đặc biệt là Philippines lại thích giao cho khu vực tư nhân để đảm bảo thương mại thuần túy.

Về phía Việt Nam, theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), việc các doanh nghiệp trúng gói thầu lớn từ Indonesia sẽ là cú huých mới cho thị trường lúa gạo nội địa, giúp ổn định giá cả khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch rộ vụ lúa Đông xuân ngay sau Tết.

Thực tế cũng cho thấy, trong những ngày nghỉ Tết vừa qua giá lúa gạo nội địa tiếp tục được duy trì ở mức cao. Theo đó, với mặt hàng gạo, ở các kho gạo chợ tại vựa lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long như An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 ở mức 13.600 - 13.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 dao động quanh mức 13.300 - 13.500 đồng/kg. Tại Sa Đéc (Đồng Tháp), gạo thơm ở mức 13.000 - 12.300 đồng/kg; thơm đẹp 13.400 - 13.600 đồng/kg; gạo OM 5451 13.100 - 13.300 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa, giá lúa Đài thơm 8 ở mức 9.300 - 9.500 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 8.800 - 9.200 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 9.200 - 9.400 đồng/kg; Nàng Hoa 9 duy trì ổn định ở mức 9.400 - 9.600 đồng/kg; lúa OM 380 dao động quanh mốc 8.600 - 8.800 đồng/kg.

Nông dân ra đồng xuyên Tết với kỳ vọng lớn vào vụ Đông xuân

Theo ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa gạo vẫn ở mức có lợi cho người trồng nên dù là những ngày đầu Xuân nhưng nhiều nhà nông vẫn dành thời gian để ra đồng chăm sóc ruộng. Bởi theo các hộ nông dân, vụ Đông xuân là vụ lúa chính trong năm nên không thể lơ là trong chăm sóc và việc phải chăm sóc lúa sẽ giúp họ có giải pháp điều trị kịp thời nếu lúa bất ngờ bị sâu bệnh. Đáng chú ý, nhiều nông dân cho biết sẽ thu hoạch lúa trong khoảng từ mùng 6 tết. Giá lúa tại nhiều đồng cũng được nông dân chào bán ở mức cao.

Vụ lúa Đông xuân vào cao điểm thu hoạch từ cuối tháng 2 và kéo dài đến hết tháng 3. Đây là vụ lúa lớn nhất trong năm với bà con nông dân miền Tây.

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), tính đến ngày 1/2/2024, vụ Đông xuân 2023-2024 các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 1,474 triệu ha/1,475 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được trên 140 ngàn ha với năng suất khoảng 6,25 tấn/ha, đạt sản lượng 875 ngàn tấn lúa.

Thời điểm hiện tại, nhiều cơ sở thu mua lúa gạo đã khai trương từ ngày mùng 4 tết, theo thông lệ hàng năm.

Thùy Dương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục