Gần 30.000 tỷ đồng tiền ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm

(Banker.vn) Tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, khối ngoại trên toàn thị trường chứng khoán đã bán ròng tổng cộng gần 46.000 tỷ đồng trên sàn HOSE (khoảng 2 tỷ USD).

Chứng khoán Việt Nam vừa đi qua nửa đầu năm 2021 thăng hoa ngoài mong đợi khi liên tiếp thiết lập những cột mốc mới. Kết thúc phiên giao dịch 30/6/2021, chỉ số VN-Index dừng tại 1.408,55 điểm - tăng 27,6% so với đầu năm.

Đà tăng ấn tượng thời gian qua đã giúp VN-Index trở thành chỉ số chứng khoán tăng mạnh thứ 2 Thế giới trong nửa đầu năm - chỉ xếp sau chỉ số chứng khoán Abu Dhabi. Nếu xét rộng ra khoảng thời gian 1 năm (từ 1/7/2020 tới 30/6/2021), VN-Index là chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới với mức tăng 67%.

Đà tăng trưởng ngoạn mục của thị trường trong nửa đầu năm có đóng góp lớn từ nhóm cổ phiếu ngân hàng với hàng loạt mã tăng trưởng từ 50 - 80% - thậm chí không ít mã "tăng bằng lần".

VN-Index nằm trong top tăng trưởng mạnh hàng đầu thế giới ở mọi khung thời gian

Theo số liệu từ Bloomberg, tại mức điểm 1.408,55, định giá P/E của VN-Index hiện lên tới 19,18, cao nhất từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, định giá P/E của VN-Index hiện vẫn thấp hơn so với đỉnh lịch sử được thiết lập vào đầu năm 2018 (P/E khoảng 22).

Trong thời gian tới, P/E VN-Index được dự báo sẽ "hạ nhiệt" khi cập nhật kết quả kinh doanh quý II/2021 của các doanh nghiệp niêm yết.

Với đà tăng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, vốn hóa HOSE hiện đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng - tăng khoảng 1,3 triệu tỷ đồng so với đầu năm.

Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng ngoạn mục trong nửa đầu năm 2021. Nếu như năm 2020, thanh khoản bình quân sàn HOSE (bao gồm thỏa thuận) chỉ đạt gần 6.200 tỷ đồng mỗi phiên thì đến năm 2021, những phiên giao dịch "tỷ đô" không còn là điều hiếm gặp. Thậm chí trong phiên giao dịch 4/6, thanh khoản sàn HOSE lập kỷ lục với giá trị giao dịch lên tới gần 31.000 tỷ đồng.

Riêng trong tháng 6/2021, thanh khoản bình quân sàn HOSE lên tới 23.697 tỷ đồng mỗi phiên

Mới đây đây, Chủ tịch VSD, ông Nguyễn Sơn cho biết, trong nửa đầu năm, thị trường có thêm khoảng 500.000 tài khoản chứng khoán và kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận thêm khoảng 300.000 tài khoản chứng khoán mới trong nửa cuối năm 2021.

Việc nhà đầu tư nội ồ ạt mở tài khoản chứng khoán thời gian gần đây có nhiều yếu tố trong đó đáng kể nhất là việc: Lãi suất huy động đang ở mức thấp; Kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại vì Nghị định 81 có hiệu lực; Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và là điểm sáng tăng trưởng kinh tế thế giới; Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang hấp dẫn so với các quốc gia trong khu vực; Triển vọng nâng hạng thị trường mới nổi trong 2 năm tới và Người dân thiếu kênh đầu tư.

Sự bùng nổ của nhà đầu tư cũng kéo theo nhu cầu sử dụng margin trên toàn thị trường tăng vọt và các công ty chứng khoán thường trong tình trạng kín hạn mức cho vay. Số liệu từ UBCKNN cho biết cuối tháng 5, dư nợ margin toàn thị trường đã lên tới hơn 112.000 tỷ đồng, tăng hơn 31.000 tỷ đồng so với đầu năm.

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng

Trái với sự hào hứng của nhà đầu tư trong nước, trong nửa đầu năm 2021, khối ngoại đã bán ròng kỷ lục gần 30.000 tỷ đồng trên sàn HOSE - gần gấp đôi lượng bán ròng trong cả năm trước (khối ngoại bán ròng 15.740 tỷ đồng trong năm 2020). Như vậy, tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2020, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 46.000 tỷ đồng trên sàn HOSE (khoảng 2 tỷ USD).

Cổ phiếu, HPG là cái tên "dẫn đầu" khi bị khối ngoại bán ròng gần 13.000 tỷ đồng, xếp tiếp theo lần lượt là VNM (-6.200 tỷ đồng), CTG (-6.049 tỷ đồng), VPB (-4.530 tỷ đồng), MBB (-2.397 tỷ đồng)…

Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng khá mạnh chứng chỉ quỹ ETF trong đó FUEVFVND (chứng chỉ DCVFM VNDiamond ETF) được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 4.158 tỷ đồng, FUESSVFL (chứng chỉ SSIAM VNFinLead ETF) được khối ngoại mua ròng 708 tỷ đồng và chứng chỉ E1VFVN30 (DCVFM VN30 ETF) được mua ròng 701 tỷ đồng.

Lý giải xu hướng dòng tiền ngoại

Theo ý kiến một số chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng họ chờ cơ chế thông thoáng hơn mới tăng cường giải ngân. Đặc biệt là các quy định liên quan đến hành lang pháp lý mới cho thị trường chứng khoán, đặc biệt là cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch của nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài như giao dịch mua bán chứng khoán trong ngày (T+0); bán chứng khoán chờ về; không bắt buộc nhà đầu tư phải có 100% tiền, chứng khoán trong tài khoản tại thời điểm đặt lệnh mua - bán; lộ trình triển khai chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR)…

Ngoài ra, trong thời gian tới, cũng sẽ có nhiều yếu tố tác động đến chiến lược đầu tư và giải ngân của nhà đầu tư ngoại trên thị trường tài chính toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng như: kết quả thương thảo giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại; Tình hình COVID-19, vắc-xin và thuốc trị...

Theo nhiều chuyên gia chứng khoán, trong bối cảnh đó, để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư của khối ngoại, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách hỗ trợ thị trường, đẩy nhanh tiến độ triển khai các sản phẩm, nghiệp vụ mới... để tận dụng cơ hội khi mà Việt Nam đang tạo được niềm tin cho nhà đầu tư do nỗ lực phòng chống COVID-19 hiệu quả, GDP tiếp tục có mức tăng trưởng khá tốt trong bối cảnh nhiều nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm.

Minh Thuận

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán