Gần 1 tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong tháng 5, vậy đâu là 'con nợ' lớn nhất?

(Banker.vn) Tháng 5 này, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn gần 1 tỷ USD, trong đó phần lớn thuộc về nhóm doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng, sau cùng mới là các ngành nghề kinh doanh khác.
Gần 1 tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong tháng 5, vậy đâu là 'con nợ' lớn nhất?

Lũy kế từ đầu năm, thị trường chứng kiến gần 40.000 tỷ đồng trái phiếu được doanh nghiệp "đua nhau" mua lại, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 5 này, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn lên đến 23.000 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 1 tỷ USD.

Trong đó, chiếm hơn 11.200 tỷ đồng là khoản đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản, kế đó là 2.500 tỷ đồng của nhóm ngân hàng, 9.300 tỷ đồng thuộc về các ngành nghề kinh doanh khác.

Theo thống kê của Kinhtechungkhoan.vn, trong tháng 5, Vinhomes sẽ đến thời điểm đáo hạn lô trái phiếu gần 5.300 tỷ đồng phát hành năm 2020 với kỳ hạn 3 năm, lãi suất khoảng 9%/năm. Ngoài ra, Công ty CP Phát triển Thành phố Xanh - một đơn vị thành viên khác của Vingroup cũng đến hạn thanh toán 2 lô trái phiếu có tổng giá trị 500 tỷ đồng (lãi suất 9,5%/năm) trong tháng này.

"Ông lớn" trên sàn khác là Masan Group cũng góp mặt trong danh sách đáo hạn trái phiếu trong tháng 5, bao gồm lô trái phiếu 2.000 tỷ đồng và 2.600 tỷ đồng của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (công ty con).

Tiếp đó, "trùm" địa ốc phía Nam Novaland của tỷ phú Bùi Thanh Nhơn có 1.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn vào ngày 18/5 tới; và xếp sau về giá trị là Fe Credit với 900 tỷ đồng; Gelex của doanh nhân Nguyễn Văn Tuấn có 700 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn...

Thời gian qua, các doanh nghiệp liên tục có động thái mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành. Riêng tháng 4/2023, tổng giá trị trái phiếu mua lại đạt gần 4.600 tỷ đồng. So với tháng liền kề, con số này giảm khá mạnh, thấp hơn đến 4 lần.

Lũy kế từ đầu năm, thị trường chứng kiến gần 40.000 tỷ đồng trái phiếu được doanh nghiệp "đua nhau" mua lại, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, lũy kế từ đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là gần 29.000 tỷ đồng, với 6 đợt phát hành công chúng với giá trị 3.500 tỷ đồng (chiếm 12% khối lượng phát hành) và 14 đợt phát hành riêng lẻ với giá trị 25.500 tỷ đồng (chiếm 88% khối lượng phát hành).

Mới đây, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023 sửa đổi các Nghị định về TPDN riêng lẻ, trong đó tạm ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải nắm giữ danh mục chứng khoán trị giá 2 tỷ đồng trong vòng 6 tháng tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Việc tạm ngưng quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm thời gian tái cơ cấu lại nợ và đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh có thể tiếp tục phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, nhà đầu tư mua TPDN cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm TPDN với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Nhà đầu tư cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu.

Chủ dự án 'đình đám' Aqua City của Novaland báo lỗ nặng, nợ phải trả vượt ngưỡng nửa tỷ USD

Thời điểm cuối năm 2022, cấu trúc tài chính của Công ty TNHH Thành phố Aqua có phần nghiêng về hướng thiếu tích cực, khi ...

Một công ty quản lý quỹ bị phạt tiền do vi phạm giao dịch tài sản

Ngày 5/5/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 114/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ...

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Tốc độ giảm lãi suất tại các ngân hàng đang khá tích cực

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thời gian qua việc giảm lãi suất là chính sách quan trọng và thiết ...

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán