"Gam màu tối" trong bức tranh kinh doanh quý 1/2024 ngành ngân hàng

(Banker.vn) Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu năm 2024 của các ngân hàng, trong đó có 9 ngân hàng báo lãi giảm so với cùng kỳ năm trước và một ngân hàng thua lỗ.

Cụ thể, lợi nhuận của những ngân hàng này đã giảm 9%, trong khi lợi nhuận toàn ngành tăng 10%, chủ yếu là các nhà băng có quy mô nhỏ. Đồng thời, nhóm những ngân hàng nhỏ cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm sâu nhất. Trong khi đó, lợi nhuận của các nhà băng lớn thường chỉ đi xuống với tỷ lệ thấp và nguyên nhân thường do tăng trích lập dự phòng, thay vì sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh.

Ảnh: Internet

Phần lớn các ngân hàng có quy mô vừa (VIB) và lớn (ACB, Vietcombank, MB) ghi nhận lợi nhuận sụt giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. ABBank báo cáo lãi sụt giảm nhiều nhất trong quý vừa qua trong bối cảnh lãi thuần của các mảng kinh doanh quan trọng như tín dụng, dịch vụ, ngoại hối giảm sâu đã khiến tổng thu nhập hoạt động (TOI) giảm 30,7% so với cùng kỳ. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro cao gấp rưỡi khiến lợi nhuận sau thuế giảm gần 69%.

Một số ngân hàng như Saigonbank, PGBank và NCB đều ghi nhận tổng thu nhập hoạt động giảm so với cùng kỳ, đa phần do thu nhập lãi thuần giảm mạnh. Bên cạnh đó, Vietbank và Eximbank lại ghi nhận lợi nhuận giảm chủ yếu do chi dự phòng rủi ro tín dụng gấp nhiều lần cùng kỳ (Vietbank gấp 4,5 lần, Eximbank gấp 3 lần).

Ở chiều ngược lại, các nhà băng báo lãi giảm và có quy mô lớn như MB, VIB, ACB, Vietcombank nhìn chung vẫn duy trì được đà tăng tăng của tổng thu nhập hoạt động (trừ Vietcombank). Lợi nhuận nhóm nhà băng này giảm chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh trích lập dự phòng, thay vì sự yếu kém trong hoạt động kinh doanh.

Đồng thời, nhìn chung, kết quả kinh doanh của nhóm 4 nhà băng lớn có lợi nhuận giảm vẫn đang đi đúng kế hoạch. Vietcombank đã thực hiện 24,8% kế hoạch năm, trong khi tỷ lệ của ACB là 22,2%. MB và VIB đều thực hiện 20,8% kế hoạch.

Đáng chú ý, sau ba tháng, ABBank mới chỉ hoàn thành được 7% kế hoạch đặt ra, Eximbank là 12,8% còn SaigonBank là 18,5%. PGBank là ngân hàng có tỷ lệ thực hiện kế hoạch cao nhất, đạt 20,9%. Các ngân hàng lớn dù giảm lợi nhuận nhưng nhìn chung vẫn đang trên đà hoàn thành kế hoạch.

Tại báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán SSI công bố mới đây, các chuyên gia phân tích cho rằng, lợi nhuận của ngành ngân hàng nhìn chung sẽ vẫn yếu do tăng trưởng tín dụng chỉ tăng tốc vào cuối tháng 3 và hoạt động dịch vụ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Công ty chứng khoán này dự báo các yếu tố cơ bản có thể dần cải thiện trong nửa cuối năm 2024 khi tỷ lệ hình thành nợ xấu có thể thấp hơn dự kiến nếu tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản và nền kinh tế duy trì được nhịp độ tốt, NIM cải thiện và thu từ nợ xấu đã xóa tốt hơn dự kiến.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng có thể đối mặt với một số rủi ro như: Lãi suất huy động tăng cao hơn dự kiến do áp lực tỷ giá; tỷ lệ hấp thụ thấp hơn dự kiến tại các dự án bất động sản dự kiến sẽ mở bán trong thời gian tới; và việc kiểm soát chặt chẽ hơn các hoạt động cho vay với bên liên quan.

Mới đây, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng vừa được NHNN đưa ra cho thấy, do kỳ vọng nền kinh tế có diễn biến tích cực, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng cải thiện nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Mặt bằng lãi suất huy động cho vay trong quý II và năm 2024 tiếp tục ở mức thấp. Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 3,8% trong quý II và tăng 13,6% trong năm 2024, điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 14,2% tại kỳ điều tra trước.

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý II, nhưng vẫn thận trọng.

Theo đó, các tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi từ quý II/2024 với 57,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng so với quý I/2024, 30,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng không đổi và 11,8% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm.

Năm 2024, 86,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2023, bên cạnh đó, vẫn có 10,1% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 và 3,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Sacombank báo lãi tăng 11%, số dư nợ xấu lên mức 11.401 tỷ đồng trong quý 1/2024

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - HOSE: STB) đã công bố báo cáo tài chính với kết quả kinh doanh tăng trưởng ...

Kinh doanh kém sắc, Saigonbank (SGB) báo lãi quý 1 lao dốc 35%

Nguồn thu chính của ngân hàng và nhiều mảng kinh doanh ngoài lãi sụt giảm mạnh, cùng với việc chi phí hoạt động tăng cao, ...

Hậu lùm xùm vụ thẻ tín dụng, Eximbank báo lãi trượt dốc trong quý đầu năm

Dù nguồn thu chính tăng trưởng tốt, tuy nhiên thu nhập ngoài lãi trượt dốc, cộng thêm chi phí dự phòng cũng nhảy vọt gấp ...

Ánh Kim

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán