Cụ thể, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) vừa công bố thông tin tài chính định kỳ trên HNX với số lỗ 2.996 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ lãi 144 tỷ đồng. Con số này vượt cả tổng lỗ của công ty trong năm 2022 là 2.376 tỷ đồng.
Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) |
Việc thua lỗ kéo vốn chủ sở hữu của FE Credit xuống 10.250 tỷ đồng, từ mức 13.240 tỷ đồng hồi đầu năm. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 5,43, tương ứng nợ phải trả 55.657 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo công bố tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu, trong 6 tháng đầu năm FE Credit đã trả 3.600 tỷ đồng trái phiếu trong tổng số dư nợ 4.600 tỷ đồng của 15 lô trái phiếu. Tiền lãi phải trả trong 6 tháng là hơn 460 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu giảm cùng với lợi nhuận sau thuế là con số âm đã đưa tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) xuống mức âm 29,23%, so với cùng kỳ 0,9%. Tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành giảm từ 16,16% hồi đầu năm xuống 13,89%.
Tình hình kinh doanh của FE Credit ngày càng lao dốc khi năm 2021 vẫn có lãi 312 tỷ đồng, nhưng sang năm 2022 chìm trong thua lỗ với 2.376 tỷ đồng. Theo ban lãnh đạo FE Credit, nguyên nhân là do điều kiện kinh tế không thuận lợi đã tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực từ đến nhóm thu nhập thấp, vốn là khách hàng chính của FE Credit.
Tỷ lệ nợ xấu của FE Credit tăng mạnh lên 20,4% trong quý 4/2022 và chi phí dự phòng tăng mạnh 82% so với cùng kỳ trong quý 4/2022 và 23% so với cùng kỳ trong 2022.
Theo một báo cáo nghiên cứu phân tích doanh nghiệp do VNDirect công bố mới đây, kết quả kinh doanh năm 2022 của FE Credit dưới kỳ vọng do nợ xấu nhảy vọt. FE Credit chuyển từ lãi trước thuế 610 tỷ đồng trong 2021 sang lỗ 3.000 tỷ đồng trong 2022.
VNDirect ước tính dư nợ cho vay của FE Credit giảm 2,7% so với cùng kỳ hoặc tăng 3.4% khi tính khoản cho vay 4,570 tỷ đồng mà FE Credit đã bán cho ngân hàng mẹ.
Tổng thu nhập hoạt động tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ lên 16,7 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và dự phòng lại tăng đáng kể lần lượt 28% và 23%, khiến FE Credit chuyển từ lãi trước thuế 610 tỷ đồng năm 2021 sang lỗ 3.000 tỷ đồng năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu nhảy vọt từ 13,6% vào cuối 2021 lên 20,4% vào cuối 2022.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit hiện đang là mức nợ xấu cao trong ngành tài chính tiêu dùng. Trích lập dự phòng hợp nhất tăng lên 22.461 tỷ đồng, tăng 18%, trong đó chi phí dự phòng của FE Credit tăng mạnh, đạt 13.681 tỷ đồng (tăng 20%) trong năm 2022.
VCBS cho biết, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 21,8% cùng tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng vọt từ 8,7% lên 13,2% khiến cho triển vọng hồi phục kinh doanh năm 2023 của công ty không quá khả quan.
"Việc số dư cho vay của FE mở rộng nhanh trong giai đoạn trước dịch Covid 19 và tập trung vào sản phẩm cho vay tiền mặt khiến mức độ rủi ro danh mục của FE cao hơn trung bình ngành. Đây là lý do khiến FE Credit chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ nợ xấu và cần nhiều thời gian để hồi phục so với các công ty tài chính khác", báo cáo của VCBS nêu.
Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, điều kiện kinh tế không thuận lợi đã ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập thấp, vốn là khách hàng chính của FE Credit. VnDirect dự phóng tăng trưởng cho vay của FE Credit đạt 5% trong năm 2023 và lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng. Sang năm 2024, kỳ vọng khi điều kiện kinh tế cải thiện, FE Credit sẽ đạt mức tăng trưởng cho vay khoảng 8% và lợi nhuận trước thuế khoảng 1.300 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo VPBank cũng nhận định, năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn đối với FECredit, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm. Ngân hàng kỳ vọng hoạt động của FE Credit sẽ dần ổn định và có lãi vào quý 3 - 4/2023. Tốc độ tăng trưởng cho vay nhìn chung sẽ chậm lại nhưng được tập trung vào khách hàng sẽ ít rủi ro hơn.
Được biết, FE Credit tiền thân là khối tín dụng tiêu dùng trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HOSE: VPB), đang là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam. Công ty tài chính này từng là "gà đẻ trứng vàng" của VPBank khi nhiều năm liền đóng góp lợi nhuận lớn cho ngân hàng mẹ.
Theo báo cáo tình hình kinh doanh năm 2018 của VPBank cho thấy, doanh thu của FE Credit đạt 16.165 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2017. Trong khi đó, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng mẹ năm 2018 là 14.916 tỷ đồng, tăng 24% so với 2017.
Lợi nhuận trước thuế của FE Credit trong các năm 2017, 2018, 2019 đều đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 70% so với 2016. Năm 2020, kết quả giảm sút nhưng vẫn đạt 3.710 tỷ đồng.
Đến năm 2021, kết quả kinh doanh của FE Credit lao dốc mạnh khi lãi trước thuế chỉ còn vỏn vẹn hơn 600 tỷ đồng. Và năm 2022, nửa đầu năm 2023 càng khó khăn hơn với việc lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của VPBank được tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Đức Vinh - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPBank chia sẻ, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến mảng tài chính tiêu dùng. Đây là nguyên nhân khiến FE Credit lỗ hơn 2.000 tỷ trong năm 2022, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chung của ngân hàng.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) không tham gia tư vấn thương vụ VPBank Tại ĐHĐCĐ ngày 30/3 của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), khi cổ đông hỏi về tin đồn VCSC tham gia thương vụ SMBC mua 15% ... |
Lượng khách hàng mới tăng trưởng cao, đã có 26% dân số dùng VPBank Bên cạnh tệp khách hành mở rộng với gần 2 triệu khách hàng gia tăng trong quý đầu năm, các chỉ số an toàn hoạt ... |
Thành viên Ban điều hành VPBank làm Quyền Tổng Giám đốc FE Credit Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt vừa được bổ nhiệm làm Quyền Tổng Giám đốc của FE Credit, bà là thành viên ban điều hành VPBank, ... |
Hải Chi
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|