FLC tập trung tái cấu trúc toàn diện, xem xét chuyển nhượng vốn khỏi Bamboo Airways

(Banker.vn) Tại ĐHĐCĐ bất thường của Tập đoàn FLC, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã thông tin về kế hoạch phát triển sắp tới, trong đó có việc chuyển nhượng cổ phần sở hữu tại Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways).
FLC dự kiến bán hơn 4.000 tỷ đồng vốn tại Bamboo Airways
FLC dự kiến bán hơn 4.000 tỷ đồng vốn tại Bamboo Airways.

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) đã tổng chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023 đưa ra kế hoạch tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn. Theo đó, trong năm 2023, doanh nghiệp sẽ sắp xếp lại các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, với 3 trụ cột chính là kinh doanh bất động sản, kinh doanh nghỉ dưỡng và M&A các dự án để tái cấu trúc.

Theo kế hoạch sắp tới, FLC sẽ rà soát, đánh giá lại các khoản đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết để có phương án tiếp tục đầu tư hoặc chuyển nhượng. Hiện tại, tập đoàn đang làm việc với các chuyên gia tư vấn tài chính để có phương án xử lý đảm bảo lợi ích của tập đoàn cũng như cổ đông.

Ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết, đối với cổ phần tại Công ty CP Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways (BAV), Tập đoàn cũng có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần tại hãng bay này.

Tập đoàn FLC đã đầu tư 4.015 tỷ đồng vào Bamboo Airways, tương ứng tỷ lệ 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không này. Tại báo cáo tài chính quý công bố gần nhất hồi tháng 10 năm ngoái, FLC vẫn ghi nhận Bamboo Airways là công ty liên kết.

Về hoạt động của Bamboo Airways, trong hai năm đầu hoạt động 2019-2020, FLC cho biết hãng bay này đều có lãi. Tuy nhiên đến năm 2021-2022, do ảnh hưởng dịch Covid-19 đã khiến Bamboo Airways thua lỗ liên tục và FLC phải trích lập hàng nghìn tỷ đồng cho khoản đầu tư vào đây.

Trong bối cảnh này, FLC cần thực hiện tái cơ cấu toàn diện (bao gồm tái cơ cấu tài chính, tái cơ cấu các khoản vay, tái cơ cấu nhân sự, tái cơ cấu các hoạt động đầu tư, kinh doanh…).

Được sự đồng thuận của cổ đông, nhiều nhóm giải pháp quan trọng trong phương án tái cơ cấu của FLC đã được thông qua như: tái cấu trúc nguồn vốn, sử dụng tài sản của tập đoàn để xử lý các khoản vay trái phiếu, vay tại các tổ chức, cá nhân; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án, liên doanh/liên kết với các đối tác để đầu tư, triển khai dự án; linh hoạt trong phương án huy động vốn, tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mục tiêu tinh giản bộ máy, xử lý nợ xấu, giải quyết sạch về công nợ, duy trì và phát triển hoạt các hoạt động, các lĩnh vực thế mạnh của Tập đoàn…

Với các khoản cho vay, nợ phải thu, hợp tác đầu tư, ĐHĐCĐ chấp thuận đưa vào chi phí một lần và theo dõi ngoại bảng với các khoản nợ xấu khó đòi; đồng thời thực hiện trích lập dự phòng 100% với các khoản hiện đang cần xem xét, đàm phán để thu về. Với các khoản đầu tư của tập đoàn tại các công ty con, công ty liên kết: thực hiện trích lập dự phòng theo quy định và ý kiến của đơn vị kiểm toán (nếu có).

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán