FLC bị cưỡng chế thuế gần 1.000 tỷ đồng, sắp họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2

(Banker.vn) FLC nhận 23 quyết định cưỡng chế từ Cục Thuế Hà Nội, với tổng số tiền cưỡng chế lên đến 955 tỷ đồng do chậm nộp thuế. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm ngừng sử dụng hóa đơn và trích tiền từ tài khoản FLC để xử lý khoản nợ thuế.

Ngày 4/9, Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) nhận loạt quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế TP Hà Nội, bao gồm 23 quyết định với tổng số tiền cưỡng chế lên đến 955 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do FLC không thực hiện đúng hạn nghĩa vụ nộp thuế theo quy định.

FLC bị cưỡng chế thuế gần 1.000 tỷ đồng, sắp họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2
Công ty CP Tập đoàn FLC.

Đáng chú ý, Cục Thuế Hà Nội đã điều chỉnh Quyết định cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn theo Quyết định số 41046/QĐ-CTHN-QLN ban hành ngày 16/7/2024. Điều chỉnh này nhằm áp dụng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với FLC để xử lý khoản nợ thuế quá hạn. Các nội dung còn lại trong quyết định cưỡng chế vẫn giữ nguyên.

Trước đó, vào ngày 26/8, Cục Thuế Hà Nội đã thông báo về việc thay đổi lý do ngừng sử dụng hóa đơn trong Quyết định số 41047/QĐ-CTHN-QLN, nhấn mạnh rằng FLC chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, bao gồm các khoản tiền thuế nợ, tiền chậm nộp và tiền phạt.

Cùng ngày, Cục Thuế TP Hà Nội tiếp tục thực hiện biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của FLC để thu hồi nợ thuế theo Thông báo số 382109/TB-CTHN-KDT ngày 14/8/2024. Tổng số tiền cưỡng chế từ tài khoản này là 99 tỷ đồng, gồm các khoản thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền phạt và tiền chậm nộp.

Vừa qua, Tập đoàn FLC cũng đã có thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2024, dự kiến diễn ra sau ngày 12/9 (thông tin về thời gian, địa điểm họp cụ thể sẽ được công bố sau). Cuộc họp nhằm thảo luận việc miễn nhiệm, bầu bổ sung thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban Kiểm soát (BKS), cũng như sửa đổi quy chế hoạt động của hai cơ quan này và giải quyết các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).

Trước đó, FLC chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 1 vào tháng 2/2024, FLC đã bầu bổ sung ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh vào HĐQT. Hiện tại, HĐQT của FLC bao gồm 5 thành viên, trong đó có ông Lê Bá Nguyên – Chủ tịch HĐQT, bà Vũ Đặng Hải Yến – Phó Chủ tịch thường trực, bà Trần Thị Hương cùng hai thành viên mới là ông Lê Tiến Dũng và ông Ngô Đặng Hoàng Anh.

Song song với việc kiện toàn nhân sự, FLC đã quyết định chuyển trụ sở chính về Tầng 5, Tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Về tình hình kinh doanh, FLC cho biết tổng tài sản hiện có ước tính hơn 21.000 tỷ đồng, đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế khoảng 800 tỷ đồng và trả nợ vay khoảng 4.400 tỷ đồng. Nhân sự của FLC đã giảm 60%, còn lại hơn 3.500 cán bộ nhân viên, cùng với việc sáp nhập 50% các phòng ban. Hiện FLC sở hữu hệ thống 14 công ty con và 1 công ty liên kết.

Trong năm 2024, FLC đặt mục tiêu doanh thu từ mảng bất động sản đạt 1.187 tỷ đồng, còn mảng du lịch nghỉ dưỡng ước tính mang về 1.213 tỷ đồng, đủ để duy trì hoạt động và thực hiện các cam kết với đối tác.

Liên quan đến vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán" tại Tập đoàn FLC, ngày 5/8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên án đối với 50 bị cáo. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch FLC – bị tuyên phạt 18 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 3 năm tù về tội "Thao túng thị trường chứng khoán", tổng mức án là 21 năm tù, tính từ ngày 29/3/2022.

Nhiều người ký đơn xin giảm án cho ông Trịnh Văn Quyết

Trước ngày xét xử, ông Trịnh Văn Quyết vận động người thân nộp hơn 230 tỷ đồng khắc phục hậu quả và được 4.280 người ...

Hành trình trở thành đại gia nghìn tỷ và bước sa chân vào vòng lao lý của ông Trịnh Văn Quyết

Trước khi bị bắt, ông Trịnh Văn Quyết từng là vị thuyền trưởng Tập đoàn FLC với hàng loạt dự án bất động sản nghìn ...

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán