Bất chấp những diễn biến không thuận lợi của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế Việt Nam, tác động lớn đến môi trường kinh doanh và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thị trường TPDN vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức hai con số, tăng trưởng kép bình quân giai đoạn 2017 - 2021 đạt xấp xỉ 55%, tổng giá trị phát hành đạt 657.000 tỷ đồng trong năm 2021, chưa tính 1,43 tỷ USD trái phiếu huy động trên thị trường nợ quốc tế.
Khối ngân hàng thương mại chiếm 35% tổng khối lượng phát hành. Với khối doanh nghiệp phi tài chính, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục dẫn đầu, chiếm 61% giá trị phát hành của khối doanh nghiệp phi tài chính.
“Ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản vẫn là những đơn vị dẫn đầu về khối lượng phát hành, tuy nhiên chúng tôi đánh giá về mức độ tiếp cận của nhà đầu tư cá nhân thì chủ yếu vẫn là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản là lưu hành trên thị trường”, ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Khối dịch vụ xếp hạng tín nhiệm – FiinRatings, FiinGroup, đưa ra nhận định tại tọa đàm FiinGroup Invest Summit: Triển vọng đầu tư năm 2022.
Hoạt động phát hành chủ yếu là phát hành riêng lẻ, chiếm hơn 95% tổng giá trị phát hành. Hoạt động phát hành đại chúng diễn ra không đáng kể do các quy định về hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng có điều kiện chặt chẽ và đòi hỏi cao hơn để được cấp giấy phép đăng ký phát hành trái phiếu ra công chúng.
Nền lãi suất giảm so với năm 2020 tác động đáng kể đến lãi suất phát hành của các TPDN phát hành trong năm 2021. Với khối doanh nghiệp phi tài chính, lãi suất danh nghĩa giảm 150 điểm cơ bản xuống còn bình quân 8,9% năm 2021 so với mức 10,4% năm 2020. Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn hấp dẫn hơn đáng kể so với các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm trung và dài hạn của ngân hàng thương mại, do đó các sản phẩm TPDN thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường.
“Theo đánh giá sơ bộ về chất lượng tín dụng nhà phát hành của các trái phiếu đang lưu hành trên thị trường, lãi suất hiện hành của các trái phiếu hiện chưa phản ánh đầy đủ những rủi ro mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi nắm giữ. Một số trái phiếu có mức độ rủi ro rất cao đang được phát hành với mức lãi suất tương đương với các Trái phiếu có mức độ rủi ro ở mức thấp hơn nhiều”, ông Lê Hồng Khang cho biết.
Mặc dù có những thay đổi quan trọng về cả phía cung (Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP đang thực hiện) và cầu (Thông tư 16/2021/TT-NHNN của NHNN hiệu lực từ 15/1/2022), FiinRatings cho rằng triển vọng của thị trường TPDN năm 2022 vẫn sẽ sôi động dựa trên các đánh giá sau:
Thứ nhất, khoảng 60% giá trị trái phiếu đang lưu hành hiện nay sẽ đáo hạn trong năm 2023-2024, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Do đó, nhu cầu tái tài trợ các khoản TPDN đáo hạn giai đoạn 2023-2024 sẽ diễn ra mạnh mẽ trong ngay trong năm nay.
Thứ hai, các khoản chi đầu tư trong hai năm vừa qua sụt giảm mạnh so với mức bình quân năm năm, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản do giãn cách trên diện rộng tác động mạnh đến hoạt động triển khai xây dựng dự án và bán hàng. Do đó, ngay sau khi thời điểm tái mở cửa vào quý IV/2021, nhu cầu huy động vốn tài trợ cho việc xây dựng và đầu tư mới sẽ sôi động trở lại. Thông tin của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy các dự án mở bán ở giai đoạn trước hoặc trong 2020 thì gần như đã thu tiền và hạch toán doanh thu trong 2 năm vừa qua, củng cố quan điểm của FiinRatings về việc doanh nghiệp cần huy động thêm vốn mới để đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án đã chi cho hoạt động tiền xây dựng.
Thứ ba, các tiêu chuẩn cho vay của kênh tín dụng ngân hàng đang thắt chặt, đồng thời Thông tư 16/2021/TT-NHNN hạn chế các ngân hàng cấp tín dụng qua hình thức TPDN nên vai trò của thị trường trái phiếu sẽ càng trở nên rõ nét.
Theo dự đoán của FiinRatings, lãi suất phát hành của TPDN trong năm 2022 sẽ tăng lên đáng kể so với năm 2021 do áp lực phát hành TPDN để tái tài trợ và huy động vốn để đầu tư mới; nền lãi suất huy động ngân hàng hiện đang rục rịch tăng trở lại và nếu như các điểm đề xuất sửa đổi trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP được thông qua sẽ thắt chặt tiêu chuẩn tham gia phát hành TPDN. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc phần bổ nguồn vốn đầu tư theo thời điểm để tối ưu hóa danh mục đầu tư và cả lưu ý “chọn mặt gửi vàng” với các sản phẩm trái phiếu có mức an toàn cao hoặc rủi ro thấp.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|