Fed tăng lãi suất lần đầu sau hơn ba năm, báo hiệu thêm 6 đợt khác trong năm nay

(Banker.vn) Hôm 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phê duyệt đợt tăng lãi suất đầu tiên trong hơn ba năm, một động thái mạnh mẽ nhằm giải quyết cú sốc lạm phát đang đeo bám nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Fed nâng lãi suất như dự đoán

Sau khi giữ lãi suất chuẩn cố định gần mức 0 kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách tháng 3. FOMC nâng lãi suất lần gần nhất vào tháng 12/2018.

Qua đó, lãi suất chuẩn của Fed sẽ nằm trong phạm vi 0,25 - 0,5%. Động thái mới sẽ làm tăng lãi suất cơ bản và ngay lập tức kéo chi phí đi vay lên cao hơn. Các nhà hoạch định chính sách hàm ý việc tăng lãi suất sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại trong năm nay.

Ngoài ra, FOMC còn phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất tại 6 cuộc họp còn lại trong năm nay nên có thể lãi suất quỹ liên bang sẽ chạm mức 1,9% vào cuối năm. Ủy ban còn dự kiến tăng lãi suất thêm ba lần nữa vào năm 2023 và ngừng tăng vào năm 2024.

Theo CNBC, đợt tăng lãi suất tháng 3 được thông qua chỉ với một ý kiến phản đối. Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis - James Bullard muốn tăng lãi suất 50 điểm cơ bản thay vì 25 điểm.

Theo tuyên bố sau cuộc họp, FOMC cho biết họ "tin rằng tăng lãi suất liên tục trong phạm vi mục tiêu là hoàn toàn phù hợp".

Bình luận về bảng cân đối kế toán gần 9.000 tỷ USD của Fed, ủy ban nêu rõ: "Chúng tôi dự kiến sẽ thu hẹp quy mô nắm giữ trái phiếu Kho bạc và các tài sản đảm bảo bằng thế chấp tại một cuộc họp sắp tới".

0056-fed-2

Chia sẻ với phóng viên tại họp báo, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã hàm ý rằng kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán có thể bắt đầu vào tháng 5 và quá trình này có thể tương đương với một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay.

Ông Powell chia sẻ thêm: "Chúng tôi đang rất lưu tâm đến rủi ro lạm phát leo thang và kỳ vọng lạm phát. FOMC quyết tâm thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định giá cả. Nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh mẽ và phù hợp để Fed thắt chặt chính sách tiền tệ".

Triển vọng kinh tế kém khả quan?

Các thành viên của FOMC cũng vừa điều chỉnh triển vọng kinh tế trên nhiều khía cạnh. Họ nhận thấy lạm phát sẽ tăng cao hơn dự kiến từ nay cho đến cuối năm và tăng trưởng GDP sẽ chậm lại đáng kể.

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE, không bao gồm thực phẩm và năng lượng) có thể tăng lên khoảng 4,1% vào cuối năm 2022, cao hơn nhiều so với ước tính 2,7% công bố hồi tháng 12 năm ngoái.

Chỉ số PCE cốt lõi sẽ lùi về lần lượt khoảng 2,7% và 2,3% trong hai năm tới, trước khi hạ xuống còn 2% trong dài hạn, FOMC dự đoán.

Tuyên bố chính sách mới của Fed có đoạn: "Lạm phát vẫn ở mức rất cao, cho thấy tình trạng mất cân bằng cung - cầu thời đại dịch cũng như đà tăng nóng của năng lượng và hàng loạt mặt hàng khác".

0141-fed-3

Mặt khác, FOMC dự đoán tăng trưởng GDP năm nay sẽ tụt xuống còn 2,8% thay vì khoảng 4% như ước tính hồi tháng 12 năm ngoái. Ủy ban đặc biệt lưu ý tới những tác động tiềm tàng từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng kinh tế của ủy ban cho các năm sau đều không đổi. Ngoài ra, FOMC kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ khép lại năm 2022 ở mức khoảng 3,5%.

"Chiến sự Nga - Ukraine đang gây tổn hại to lớn về nhân mạng và kinh tế. Tác động tới nền kinh tế Mỹ là rất khó đoán, nhưng trong thời gian tới, cuộc xung đột quân sự và những sự kiện liên quan có thể tạo thêm áp lực lên lạm phát và đè nặng hoạt động kinh tế", tuyên bố nhấn mạnh.

Bình luận về các động thái mới của Fed, ông Jim Baird - Giám đốc phụ trách đầu tư tại hãng tư vấn Plante Moran Financial Advisors, cho hay: "Cuối cùng, ngân hàng trung ương Mỹ đã phát thông điệp rõ ràng rằng họ có một lộ trình thắt chặt chính sách để đối phó với vấn đề lạm phát".

"Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu lộ trình của Fed có đủ hay không và các nhà hoạch định chính sách có tinh ý nhận ra rằng họ đã chậm chân so với đà tăng của lạm phát", ông Baird nhấn mạnh với CNBC.

Chỉ số CPI tháng 2 của Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất kể từ tháng 1/1982. Mức tăng này không nằm ngoài dự báo, nhưng vẫn cho thấy giá cả tiếp tục leo thang, đặc biệt là giá xăng, thực phẩm và nhà ở.

Trước đó, chỉ số CPI tháng 1 năm nay của Mỹ tăng 7,5%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này vượt lên trên ngưỡng 6%.

Yên Khê/DNNY

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán