Rạng sáng ngày 17/3 theo giờ Việt Nam, Fed đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng hơn 3 năm qua. Sau cuộc họp chính sách tháng 3, Ủy ban Thị trường Mở liên bang FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed, thông báo NHTW này quyết định tăng 0,25 điểm % lãi suất cơ bản, qua đó nâng biên độ lãi suất của Fed lên mức từ 0,25% – 0,5%. Cùng với quyết định nâng lãi suất cơ bản, Fed cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình kinh tế và lạm phát để có thêm các đợt nâng lãi suất tiếp theo. Đồng thời tuyên bố sẽ bắt đầu giảm việc nắm giữ các loại trái phiếu trong một phiên họp sắp tới.
Không có “sóng” bất ngờ cho thị trường trong nước
Ngay sau thông tin Fed tăng lãi suất được công bố, thị trường Việt Nam đón nhận khá bình thản, không có cơn sốt lớn về tỷ giá trước và sau khi Fed tăng lãi suất, thậm chí trong phiên giao dịch ngày 17/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố đã điều chỉnh giảm so với những phiên trước đó.
Đầu giờ sáng ngày 17/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố đã quay đầu giảm mạnh sau 4 phiên tăng liên tiếp trước đó, giá mua bán USD ít biến động so với cuối phiên trước. Cụ thể, tỷ giá trung tâm sáng ngày 17/3 được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.167 đồng, giảm mạnh 21 đồng so với phiên trước. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước trong sáng nay giữ nguyên ở mức 22.550 - 23.050 VND/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, đầu giờ sáng nay, tỷ giá mua thấp nhất được niêm yết ở mức 22.710 VND/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 22.790 VND/USD. Còn ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở mức 22.970 VND/USD, giá bán cao nhất đang ở mức 23.130 VND/USD. Ví như tại Vietcombank, giá mua bán USD niêm yết ở mức 22.710 – 23.020 VND/USD; BIDV niêm yết ở mức 22.740 – 23.020 VND/USD; Sacombank là 22.730 – 23.130 VND/USD…
Còn trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên ngày 16/3 ở mức 22.800 VND/USD, giảm 10 đồng so với phiên 15/3. Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra, giao dịch tại 23.440 VND/USD và 23.520 VND/USD.
Thống kê cho thấy, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại trong ngày 17/3 tương đương so với phiên giao dịch ngày 16/3 và thấp hơn từ 10 – 17 đồng/USD so với phiên giao dịch ngày 15/3. Còn trên thị trường liên ngân hàng tỷ giá ghi nhận giảm 10 đồng/USD so với phiên giao dịch ngày 15/3. Trên thị trường tự do tỷ giá giữ nguyên so với ngày 15/3.
Nhận định về những tác động từ việc Fed tăng lãi suất đối với cặp tỷ giá USD/VND, giới chuyên môn cho rằng, quyết định của Fed thực ra đã được thị trường dự báo và lộ trình tăng lãi suất lần này đã được phản ánh dần vào thị trường nên tỷ giá trên thị trường không cho thấy sự biến động. Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành, Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho biết, việc tăng lãi suất của Fed trong năm 2022 cũng đã có lộ trình rõ ràng trước đó nhưng với mức tăng không quá lớn, chỉ 0,25%. Như vậy, kế hoạch tăng lãi suất của FED đã rõ nên thị trường cũng tính toán vào các mức lãi suất hiện nay.
Còn ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra nhận định: "lạm phát tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với lạm phát ở Mỹ, nên việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước".
Áp lực thời gian tới không nhiều
Nhận định về diễn biến tỷ giá thời gian tới, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam cho rằng, trong ngắn hạn, áp lực giảm giá của VND đang rất hiện hữu do những thay đổi về chính sách tiền tệ của Fed, cùng với rủi ro về tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng như căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine đang diễn ra.
Mặc dù vậy, với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt và nhịp nhàng, thích ứng với những biến số mới trên thị trường, ông Ngô Đăng Khoa tin rằng, trong trung và dài hạn của tỷ giá ổn định hơn. “Ít nhất, những biến động tỷ giá từ năm ngoái đến nay đều được chính sách tỷ giá xoa dịu thông qua việc thay đổi giá mua và giá bán USD tại Sở giao dịch. Vai trò điều hành của Ngân hàng Nhà nước đang được thể hiện nhiều hơn”, ông Khoa nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Bá Khang cũng đánh giá, việc ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại. Trong cả giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tạo được một nền tảng có nhiều yếu tố thuận lợi để ổn định tỷ giá. “Phương thức điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đã giúp cung - cầu ngoại tệ ổn định hơn, dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh, tạo sự thuận lợi lớn trong chính tiền tệ và điều hành tỷ giá năm 2022”, ông Nguyễn Bá Khang nhấn mạnh.
Còn theo nhóm nghiên cứu phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), với quyết định tăng lãi suất của Fed vừa đưa ra, áp lực đối với tỷ giá USD/VND sẽ có xu hướng tăng nhưng vẫn trong biên độ kiểm soát khoảng +1% trong năm 2022. Áp lực lên tỷ giá tăng vì đồng USD có xu hướng tăng giá trở lại.
“Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là Việt Nam vẫn có những tấm đệm an toàn như dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán được hỗ trợ bởi thặng dư thương mại được duy trì và kiều hối liên tục gia tăng”, nhóm chuyên gia VDSC nhận định.
Mặc dù thị trường vẫn cho thấy sự ổn định sau khi Fed tăng lãi suất nhưng theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới sẽ rất lớn. Có những yếu tố quan trọng lý giải cho nhận định này, đó là: những lo ngại lạm phát tại Mỹ tăng cao, rất có thể Fed sẽ tiếp tục có nhiều đợt tăng lãi suất; hay tình hình chiến sự căng thẳng tại Nga – Ukraine; đầu vào của các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu, khi giá nguyên vật liệu đầu vào tăng phi mã sẽ tạo áp lực lên điều hành tỷ giá… “Nếu các đợt tăng lãi suất của Fed diễn ra, cộng với chiến sự tại Nga – Ukraine tiếp tục căng thẳng, sẽ khiến áp lực lên tỷ giá càng lớn hơn”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, với “bộ đệm” dự trữ ngoại hối đang ở mức cao kỷ lục và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, cùng với việc điều hành tỷ giá những năm gần đây rất linh hoạt và nhịp nhàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có đủ nguồn lực để can thiệp vào thị trường khi có những biến động mạnh xảy ra.
Ngô Hải
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|