Fed sẽ tiếp tục các nỗ lực chính sách cho đến khi có “bằng chứng thuyết phục” về lạm phát giảm

(Banker.vn) Kết thúc phiên họp kéo dài hai ngày 26-27/7/2022, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất chính sách thêm 0,75% lên 2,25-2,5%. Như vậy, Fed đã tiến hành 4 đợt tăng lãi suất liên tiếp kể từ đầu năm đến nay, bắt đầu từ tháng 3/2022, và là lần thứ hai liên tiếp Fed tăng lãi suất dựng đứng 0,75%, mục tiêu là nhằm đối phó với lạm phát vốn đã tăng cao nhất trong 41 năm qua.

Động thái tăng lãi suất lần này phản ánh các nỗ lực của Fed trong việc thúc đẩy thị trường lao động và kéo giảm lạm phát trở lại quanh ngưỡng mục tiêu 2% trong dài hạn. Để đạt được những mục tiêu này, quyết định tăng lãi suất cho vay qua đêm thêm 0,75% lên 2,25-2,5%, và kỳ vọng những đợt tăng lãi suất tới đây là biện pháp phù hợp. Ngoài ra, Fed sẽ tiếp tục thu hẹp bảng cân đối kế toán bằng cách giảm lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán cầm cố đang nắm giữ. Đây là kế hoạch được đưa ra tại phiên họp tháng 5 vừa qua, khi đó các quan chức Fed cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ là sẽ giảm lạm phát về mục tiêu 2%.  

Mặc dù thị trường lao động và tiền lương tăng vững trong những tháng gần đây, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong gần nửa thế kỷ qua, song sản xuất và chi tiêu đều giảm. Lạm phát tiếp tục tăng cao, phản ánh tình trạng mất cân đối cung cầu liên quan đến đại dịch COVID-19, giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, áp lực giá cả tăng cao trên diện rộng.

Các quan chức Fed lưu ý cao độ đến những diễn biến gần đây, khi xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ tiếp tục kéo dài, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Chiến sự và những sự cố liên quan đã tăng thêm áp lực lạm phát, chất thêm gánh nặng lên kinh tế thế giới vốn mới le lói phục hồi sau đại dịch.

Liên quan đến việc đánh giá lập trường chính sách hợp lý, Fed cho biết sẽ tiếp tục theo dõi các dữ liệu thông tin liên quan đến triển vọng kinh tế, đặc biệt là diễn biến và tác động của lạm phát. Fed cũng chủ động và sẵn sàng điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ một cách thích hợp, nếu rủi ro tiếp tục trầm trọng và cản trở các nỗ lực đạt được mục tiêu đề ra. Đánh giá của Fed sẽ đề cập đến nhiều thông tin, bao gồm hệ thống y tế cộng đồng, thị trường lao động, áp lực và kỳ vọng lạm phát, diễn biến tài chính và tình hình quốc tế.

Tại cuộc họp báo sau phiên họp, Chủ tịch Fed - ông Jerome Powell bỏ ngỏ khả năng về một đợt tăng lãi suất tương tự thời gian tới, đồng thời phủ nhận những đồn đoán là kinh tế Mỹ đang suy thoái. 

Chủ tịch Jerome cho rằng, kinh tế Mỹ chưa suy thoái, do các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục thuê trên 350.000 lao động mỗi tháng, lương và việc làm tăng vững, thất nghiệp giảm thấp trong gần 50 năm qua, và kinh tế Mỹ sẽ không bị suy thoái.

Tuy nhiên, ông thừa nhận, kinh tế Mỹ đang tăng chậm chạp, và thời gian giảm lạm phát còn kéo dài. Vì thế, cần kéo giảm nhu cầu xuống dưới mức tiềm năng trong thời gian dài để kéo giảm tăng trưởng kinh tế. Lãi suất cao làm tăng chi phí vay vốn, kinh tế sẽ giảm tốc, nhưng lạm phát cũng sẽ hạ nhiệt.

Ông Jerome Powell cho rằng, tác động tăng lãi suất vẫn đang hình thành trong nền kinh tế, và tùy thuộc vào diễn biến lạm phát trong những tháng tới đây, có thể cho phép Fed giảm tiến độ và quy mô tăng lãi suất.

Với quyết định tăng lãi suất cao bất thường 0,75%, cùng với những đợt tăng lãi suất vào tháng 3, tháng 5, và tháng 6 vừa qua, mặt bằng lãi suất cho vay qua đêm đã tăng lên 2,25-2,5%, ghi nhận tốc độ thắt chặt tiền tệ nhanh nhất, kể từ khi nguyên Chủ tịch Fed - Paul Volker tăng cường các nỗ lực giảm phát, khi lạm phát tăng 2 con số trong những năm 1980.

Mặc dù giá tiêu dùng hiện nay chưa tăng quá 10%, nhưng đã tăng 9,1% trong 12 tháng tính đến tháng 6 vừa qua, ghi nhận mức tăng quá cao từ dưới 2% trong 18 tháng trước đó. Mức lạm phát này được cho là đang tiến sát giới hạn đỏ đối với Fed và chính quyền Mỹ, một mức lạm phát được cho là rất nhạy bén trước cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào tháng 11 tới đây.

Hiện nay, lạm phát cơ bản đã tăng trên 3 lần so với mục tiêu 2% đề ra, và các quan chức Fed nhận thức sâu sắc về những khó khăn đang tác động đến các hộ gia đình trong thời gian gần đây, nhưng Fed sẽ tiếp tục các nỗ lực chính sách cho đến khi có “bằng chứng thuyết phục” là lạm phát bắt đầu giảm.

Lãi suất chính sách đang ở mức mà phần lớn các quan chức Fed cảm thấy đang gây tác động trung tín đến nền kinh tế, đánh dấu những nỗ lực chống COVID-19 và khuyến khích chi tiêu. Trong thời gian ngắn ngủi 4 tháng qua, mức lãi suất này đã chạm đỉnh cao trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2018.

Các nhà đầu tư kỳ vọng, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) tại cuộc họp diễn ra trong hai ngày 20-21/8 tới đây, khi Fed sẽ trở lại quan điểm tăng lãi suất ở mức khiêm tốn.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, Fed sẽ thay đổi lập trường chính sách và bắt đầu giảm lãi suất từ giữa năm 2023. Trái lại, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất chính sách lên 5% hoặc cao hơn để chống lạm phát. Trước đó, tại cuộc họp tháng 6, Fed đã vạch kế hoạch tăng lãi suất lên gần 3,5% trong năm nay và gần 4% trong năm 2023.

Sau cuộc họp báo, thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng, trong khi lợi suất trái phiếu và USD cùng nhau đi xuống. Trên thị trường tài chính phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở mức 32.197,59 điểm, tăng 436,05 điểm (1,37%) so với phiên giao dịch trước; chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 469,85 điểm (4,06%) lên 12.032,42 điểm; chỉ số S&P 500 tăng tăng 102,56 điểm (2,62%) lên 4.023,61 điểm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng lên 3,077%, tăng nhẹ từ tỷ lệ 3,057% trước cuộc họp báo; lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống 2,77% (giảm tới 70 điểm cơ bản kể từ cuộc họp tháng 6 vừa qua), nhưng tăng nhẹ từ tỷ lệ 2,759% trước đó.

(Nguồn: Tổng hợp)

Xuân Thanh

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ