Nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp
Cụ thể, FED quyết định nâng lãi suất cho vay qua đêm lên 2,25% - 2,5%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Việc nâng lãi suất 75 điểm trong hai cuộc họp liên tiếp là động thái cứng rắn nhất của FED kể từ thời kỳ của Paul Volcker vào đầu những năm 1980.
Quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nhận được sự đồng thuận từ tất cả các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Cuộc bỏ phiếu lần này của FOMC bao gồm hai thành viên mới là Phó Chủ tịch phụ trách giám sát Michael Barr và Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Susan Collin. Việc bổ sung ông Michael Barr vào đầu tháng này giúp hội đồng thống đốc của FED lần đầu có đủ 7 người kể từ năm 2013.
FED quyết định nâng lãi suất lên 2,25% - 2,5%. |
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày ở Washington, Chủ tịch Jerome Powell cho biết, FED sẽ tăng lãi suất chậm lại tại một thời điểm nào đó. Ngoài ra, các quan chức của cơ quan này sẽ điều hành chính sách trên cơ sở từng cuộc họp thay vì đưa ra tín hiệu rõ ràng về quy mô nâng lãi suất trong lần tiếp theo, như ông đã làm gần đây.
Theo ông Powell, dù việc tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo có vẻ phù hợp thì đó vẫn sẽ là quyết định phụ thuộc vào dữ liệu từ nay đến lúc đó. Các nhà hoạch định chính sách sẽ có cuộc họp tiếp theo vào ngày 20 – 21/9 và dữ liệu lạm phát cũng như việc làm trong tháng 7 và tháng 8 sẽ giúp xác định động thái tiếp theo của FED.
Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu tại họp báo sau cuộc họp định kỳ tháng 7. Ảnh: Getty Images. |
Trong tuyên bố sau cuộc họp, FOMC cam kết mạnh mẽ sẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% và khẳng định các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm đến rủi ro lạm phát, đồng thời sẽ điều chỉnh chính sách nếu xuất hiện những rủi ro có thể cản trở việc đạt được mục tiêu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 9,1% trong tháng 6, chạm mức cao nhất trong 4 thập kỷ. Theo Bloomberg, lạm phát khiến người dân Mỹ bất mãn và tạo ra thách thức cho Tổng thống Joe Biden và các nghị sĩ đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Rủi ro suy thoái
Bị chỉ trích vì đánh giá sai tình hình lạm phát và đưa ra những phản ứng chậm chạp, các quan chức hiện đang buộc phải nhanh chóng tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát, ngay cả khi điều này có nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái, tờ Bloomberg lưu ý.
Việc thắt chặt lãi suất đã có những tác động rõ nét đến nền kinh tế Mỹ, ảnh hưởng đặc biệt tới thị trường nhà ở khi doanh số bán nhà sụt giảm rõ ràng.
Trong quý I/2022, GDP Mỹ giảm 1,6% và dữ liệu GDP quý II dự kiến công bố vào ngày 28/7. Nếu GDP quý II tiếp tục âm, kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái về kỹ thuật. Bloomberg ước tính GDP quý II của Mỹ tăng trưởng 0,4%.
Nền kinh tế Mỹ giảm tốc trong quý I/2022. |
Các quan chức FED nhiều lần khẳng định, họ có thể đưa nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” và tránh suy thoái sâu.
Trong tuyên bố mới nhất sau cuộc họp, FOMC cảnh báo “các chỉ báo gần đây về chi tiêu và sản xuất đã yếu đi”, tuy nhiên, thị trường việc làm vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong vài tháng gần đây và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn thấp. Tuyên bố trên tương tự với tuyên bố được đưa ra vào tháng 6/2022.
Chủ tịch FED Jerome Powell thì cho biết, ông không tin rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái khi mà “thị trường lao động đang rất mạnh”. Tháng 6/2022, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ghi nhận ở mức thấp 3,6% trong tháng thứ tư liên tiếp, gần mức toàn dụng lao động.
“Nhu cầu vẫn mạnh mẽ và nền kinh tế vẫn đang trên đà tiếp tục tăng trưởng trong năm nay”, người đứng đầu FED xoa dịu.
Ông Powell nói thêm, các nhà hoạch định chính sách thực sự nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ cần một khoảng thời gian tăng trưởng dưới mức tiềm năng nhằm tạo ra sự chùng xuống để cung bắt kịp cầu.
Thị trường hiện sẽ tập trung theo dõi xem liệu FED có làm chậm tốc độ tăng lãi suất vào cuộc họp tiếp theo vào tháng 9 hay lạm phát sẽ tiếp tục gây áp lực buộc ngân hàng trung ương tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất như hai cuộc họp vừa qua.
Quỳnh Lê
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|