Fed giữ nguyên lãi suất tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam và khu vực Đông Nam Á?

(Banker.vn) Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong 23 năm, điều này tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam và khu vực Đông Nam Á?
Fed giữ nguyên lãi suất, tính nâng thêm 2 lần trong năm 2023 Các quan chức FED cảnh báo: Lạm phát chưa ổn định để hạ lãi suất Kịch bản của FED và xu hướng giá kim loại quý

Ngày 12/6 theo giờ địa phương (rạng sáng 13/6 theo giờ Việt Nam), sau cuộc họp chính sách thường kỳ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản ở biên độ từ 5,25 - 5,5%. Đây là lần thứ 7 Fed giữ nguyên mức lãi suất này, mức cao nhất trong vòng 23 năm qua.

Chủ tịch Fed - Jerome Powell - lưu ý trong cuộc họp báo ngày 12/6 rằng, ngân hàng trung ương vẫn chưa đủ tự tin để cắt giảm lãi suất, ngay cả khi lạm phát đã giảm bớt từ mức đỉnh điểm.

Quan chức Fed hôm qua cũng dự báo chỉ giảm lãi một lần trong năm nay, thay vì 3 lần như tuyên bố hồi đầu năm. Thông tin này được đưa ra bất chấp lạm phát tại Mỹ đang “tiến gần hơn” tới mục tiêu 2%. Nhận định này lạc quan hơn so với phiên họp đầu tháng 5.

Fed giữ nguyên lãi suất tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam và khu vực Đông Nam Á?
Chủ tịch Fed - Jerome Powell - cho rằng, ngân hàng trung ương vẫn chưa đủ tự tin để cắt giảm lãi suất, ngay cả khi lạm phát đã giảm bớt từ mức đỉnh điểm.

Ông Jerome Powell khẳng định, lạm phát đã giảm đáng kể so với mức đỉnh nhưng vẫn ở mức quá cao: “Nền kinh tế của chúng ta đã đạt được tiến bộ đáng kể… thị trường lao động đã trở nên cân bằng hơn với việc tiếp tục tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Lạm phát đã giảm đáng kể từ mức đỉnh 7% xuống 2,7%, nhưng vẫn còn quá cao. Chúng tôi cam kết mạnh mẽ đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% để hỗ trợ một nền kinh tế mạnh mẽ mang lại lợi ích cho tất người dân” - ông Jerome Powell khẳng định; đồng thời nói thêm: “Fed đang duy trì lập trường hạn chế về chính sách tiền tệ”.

Các quan chức Fed kỳ vọng sẽ thực hiện lộ trình hạ lãi suất mạnh tay hơn vào năm 2025, với 4 lần cắt giảm tương đương 1%. Từ nay đến năm 2025, Ủy ban dự đoán sẽ có tổng cộng 5 lần hạ lãi suất, tương đương 1,25 %, trong khi dự đoán hồi tháng 3 là 6 lần.

Nếu dự báo này không thay đổi, lãi suất quỹ liên bang sẽ ở mức 5,1% vào cuối năm tới, cao hơn 0,2% so với ước tính hồi tháng 3. Các quan chức Fed kỳ vọng đến năm 2026, lạm phát mới hạ nhiệt về 2%.

Nêu quan điểm về lãi suất của Fed và lãi suất của các nước trong khu vực Đông Nam Á, ông Enrico Tanuwidjaja - chuyên gia kinh tế ASEAN tại Ngân hàng UOB (Singapore) cho rằng, mặc dù lãi suất của Hoa Kỳ vẫn ở mức cao, nhưng sức mạnh nội tại của nền kinh tế đã giúp các ngân hàng trung ương khu vực Đông Nam Á tự chủ hơn trong việc cắt giảm lãi suất dựa trên tình hình trong nước của họ.

Ông Enrico Tanuwidjaja cho biết, những năm gần đây. Khi lạm phát hậu Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng nặng nề vào cuối năm 2021, các ngân hàng trung ương Đông Nam Á đã theo chân Fed trong việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn là mức độ thắt chặt tiền tệ thấp hơn nhiều. Bởi áp lực lạm phát ở Đông Nam Á ít nghiêm trọng hơn so với các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu, các ngân hàng trung ương khu vực đã có thể kìm hãm áp lực giá cả bằng cách tăng lãi suất thấp hơn.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi chạm đáy giai đoạn COVID-19
Mặc dù lãi suất của Hoa Kỳ vẫn ở mức cao, nhưng sức mạnh nội tại của nền kinh tế đã giúp các ngân hàng trung ương khu vực Đông Nam Á tự chủ hơn trong việc cắt giảm lãi suất

Fed đã tăng lãi suất cơ bản lên hơn 5 điểm phần trăm để đạt mức cao nhất 5,5% vào tháng 7 năm 2023 và giữ nguyên lãi suất kể từ đó đến nay. Ngược lại, lãi suất của Ngân hàng Thái Lan (BOT) chỉ ở mức 2,5% - tăng 2 điểm phần trăm trong chu kỳ thắt chặt này. Trong khi lãi suất cao nhất của Ngân hàng Negara Malaysia ở mức 3%, tăng 1,25 điểm phần trăm. Về phần mình, lãi suất chính thức của Ngân hàng Indonesia là 6,25%, đánh dấu mức tăng 2,75 điểm phần trăm. Mức tăng lãi suất lớn nhất ở Đông Nam Á là ở Philippines với mức tăng 4,5 điểm phần trăm lên mức lãi suất chính sách là 6,5 phần trăm. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn mức tăng lãi suất của Fed.

Theo ông Enrico Tanuwidjaja, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Malaysia hiện có mức độ độc lập về chính sách tiền tệ cao hơn vì cán cân bên ngoài của họ bao gồm vị thế tài khoản vãng lai, dự trữ ngoại hối và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh hơn nhiều và có khả năng phục hồi tốt hơn so với các giai đoạn trước. Bốn quốc gia này đã thâm hụt tài khoản vãng lai từ 3,4 - 7,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 1996, năm ngày trước cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

Theo giới phân tích, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đi ngược chiều lãi suất với Fed và các ngân hàng trong khu vực khi giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm.

Báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế quý 2/2024 của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB lạc quan về thị trường tiền tệ của Việt Nam trong năm 2024 với lãi suất điều hành được duy trì ở mức thấp.

Các chuyên gia của UOB phân tích, thay vì thay đổi lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ các hoạt động kinh tế, các lĩnh vực tăng trưởng mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội. Hướng dẫn mới nhất của Ngân hàng Nhà nước đưa ra (ngày 31/5) nhằm mục đích tăng trưởng tín dụng 5 - 6% vào cuối quý 2/2024 và giảm lãi suất cho vay 1 - 2%, thông qua thủ tục cho vay đơn giản hóa, các biện pháp tiết kiệm chi phí và ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.

“Với các hoạt động đang được cải thiện, tỷ lệ lạm phát dao động ngay dưới mục tiêu, cũng như những lo ngại về đồng nội tệ, khả năng hạ lãi suất đã giảm đi. Việc tăng lãi suất vào thời điểm này có thể có nguy cơ cản trở môi trường tín dụng và thanh khoản. Do đó, chúng tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,50% hiện tại và tập trung nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng tín dụng cũng như các biện pháp hỗ trợ khác” - Ngân hàng UOB nhận định.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương