Fed chính thức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản

(Banker.vn) Kết thúc cuộc họp chính sách ngày 4/5/2022, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất 50 điểm cơ bản nhằm khống chế lạm phát đang ở mức đỉnh 40 năm.

Theo đó, lãi suất quỹ liên bang của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ dao động trong khoảng 0,75 - 1%. Theo CME Group, thị trường kỳ vọng lãi suất chuẩn tại Mỹ sẽ tăng lên phạm vi 2,75 - 3% vào cuối năm nay.

Bên cạnh việc tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Mỹ còn phát tín hiệu sẽ giảm lượng tài sản nắm giữ trên bảng cân đối kế toán quy mô 9.000 tỷ USD. Kế hoạch này sẽ bắt đầu từ tháng 6 tới, theo từng giai đoạn.

Cụ thể, từ ngày 1/6/2022, Fed sẽ giảm 30 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp mỗi tháng. Sau ba tháng, mức giảm đối với trái phiếu Kho bạc và các khoản thế chấp sẽ lần lượt tăng lên 60 tỷ USD và 35 tỷ USD.

Trong thời kỳ dịch bệnh, Fed đã mua lượng lớn trái phiếu để giữ lãi suất ở mức thấp và duy trì dòng tiền trong nền kinh tế. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa tăng vọt đã buộc các quan chức Fed phải suy nghĩ lại về chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới có thể sẽ thực hiện nhiều đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong thời gian tới. Song, dường như ông Powell đã hàm ý rằng Fed sẽ không trở nên quá “diều hâu”.

Ngoài ra, tuyên bố của ngân hàng trung ương Mỹ cũng đề cập đến sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tại Trung Quốc hiện tại cũng như những nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết tình hình.

“Bên cạnh đó, các đợt phong tỏa tại Trung Quốc nhiều khả năng sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. FOMC đang rất chú ý tới rủi ro lạm phát”, tuyên bố có đoạn.

Ông Collin Martin, chiến lược gia cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Charles Schwab, bình luận: “Kỳ vọng của chúng tôi có phần đơn giản hơn thị trường. Chúng tôi tin Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản khác tại cuộc họp tháng 6.

Chúng tôi cũng cho rằng lạm phát đã gần đạt đến đỉnh. Nếu lạm phát cho thấy dấu hiệu đạt đỉnh và sau đó suy giảm vào cuối năm, Fed sẽ dễ thở hơn một chút trong chính sách tiền tệ”.

Mức tăng 50 điểm cơ bản vừa qua là đợt tăng lãi suất lớn nhất mà FOMC thiết lập kể từ tháng 5/2000. Khi đó, Fed đang chiến đấu với ảnh hưởng của thời kỳ dotcom và bong bóng internet. Lần này, tình hình có hơi khác một chút.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, Fed đã hạ lãi suất chuẩn xuống khoảng 0 - 0,25% và thiết lập một chương trình thu mua trái phiếu mạnh tay, qua đó tăng gấp đôi quy mô bảng cân đối kế toán.

Sau đó, chuỗi cung ứng tắc nghẽn nghiêm trọng và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao khi các nền kinh tế mở cửa trở lại. Lạm phát tiêu dùng tại Mỹ đã nhảy vọt lên 8,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nhiều tháng liền, giới chức Fed liên tục khẳng định lạm phát chỉ là “nhất thời”, song sau đó phải suy nghĩa lại khi áp lực giá cả không lắng dịu.

Lâm Tuyền

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán