Fecon (FCN) chuẩn bị thoái sạch vốn tại Vĩnh Hảo 6, 'quân bài tẩy' cho kế hoạch lợi nhuận năm 2022

(Banker.vn) Nếu thương vụ bán toàn bộ vốn tại dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 diễn ra như kỳ vọng, nhiều khả năng Công ty CP Fecon (Fecon, HOSE: FCN) sẽ hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Fecon (FCN) trúng thêm gói thầu 170 tỷ đồng tại Nhiệt điện Vũng Áng II

Hội đồng quản trị (HĐQT) Fecon vừa thông qua giao dịch chuyển nhượng cổ phần để thoái toàn bộ vốn đầu tư tại Công ty CP Năng lượng Vĩnh Hảo 6 (Năng lượng Vĩnh Hảo 6) thuộc sở hữu của Fecon và Công ty CP Năng lượng Fecon (Fecon Power).

Năng lượng Vĩnh Hảo 6 hiện có vốn điều lệ 405 tỷ đồng, tính đến cuối quý II/2022, Fecon sở hữu 40% cổ phần, còn lại 60% thuộc về ACWA Power (đối tác từ Ả rập Xê út). Giá trị ghi sổ của Fecon tại đây là 162 tỷ đồng.

HĐQT ủy quyền cho Chủ tịch chỉ đạo thực hiện, quyết định giá chuyển nhượng cổ phần, đàm phán và ký kết hợp đồng chuyển nhượng và các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan.

Được biết, Năng lượng Vĩnh Hảo 6 được thành lập vào năm 2018, là đơn vị trực tiếp thực hiện, quản lý và vận hành dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Dự án này được phát triển từ năm 2016, là bước đầu trong chiến lược mở rộng đầu tư vào hạ tầng năng lượng của Fecon; có tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng, công suất thiết kế 50 MWp, sản lượng điện dự kiến 83 triệu KWh/năm, được xây dựng trên diện tích 60 ha tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Vĩnh Hảo 6
Nếu việc thoái vốn tại Vĩnh Hảo 6 thành công, khả năng Fecon sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2022

Tại hội nghị về "Triển vọng Fecon 2019" với các quỹ đầu tư, lãnh đạo Fecon cho biết đã chuyển nhượng 60% cổ phần Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6 cho đối tác là ACWA Power. Thương vụ đem về cho công ty khoảng 45 tỷ đồng.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, lãnh đạo Fecon đã chia sẻ về kế hoạch thoái vốn Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6, hoặc Quốc Vinh Sóc Trăng, tức sẽ thoái 1 trong 2. Đây sẽ "quân bài tẩy" cho kế hoạch lợi nhuận năm 2022 của Công ty.

Như vậy, nếu việc thoái vốn diễn ra thành công, nhiều khả năng Fecon sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng của năm nay: doanh thu hợp nhất tới 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 280 tỷ đồng, tăng lần lượt 44% và 296% so với kết quả thực hiện năm 2021.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Fecon đã công bố trúng thêm các gói thầu mới thuộc 2 dự án lớn là nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II và dự án thử nghiệm điện gió ngoài khơi khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hợp đồng gần 250 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong tháng 10, Fecon cho biết công ty đang gấp rút triển khai loạt gói thầu thi công cọc thử - dự án Pine Valley Bảo Lộc, thi công cọc PHC D600 - dự án nhà máy dệt may TAL Vĩnh Phúc, thi công hạ tầng dự án tổ hợp BRG Golden Sands City Thừa Thiên Huế cùng một số dự án khác.

Hiện Fecon chưa công bố báo cáo tài chính quý III. Theo kết quả bán niên, Fecon ghi nhận doanh thu 1.540 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, dưới sức ép chi phí nguyên liệu, nhân công tăng cao, Fecon chỉ báo lãi có 1,2 tỷ đồng, giảm 98% cùng kỳ, và còn cách xa kế hoạch đề ra.

Tính tới cuối tháng 6, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng nhẹ so với đầu năm đạt khoảng 7.775 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền và các khoản đương tiền của công ty là 303 tỷ đồng. Cuối kỳ, Fecon có 1.481 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn và 1.145 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Tổng nợ vay chiếm 34% cơ cấu nguồn vốn.

Yến Thanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán