FE CREDIT tích cực kiểm soát và xử lý nợ xấu giai đoạn hậu COVID-19

(Banker.vn) (thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lệnh giãn cách xã hội liên tiếp tại các địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các công ty tài chính. Trong đó, công tác xử lý, thu hồi nợ trở thành thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải vượt qua để tạo đà hồi phục giai đoạn tới.

 

Tại hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 của các tổ chức hội viên là công ty tài chính, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận đinh: “Nhìn chung, đặc thù khách hàng của các công ty tài chính là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương… đây là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch bệnh COVID-19. Mặt khác, do nhiều thành phố lớn thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động của nhóm các công ty tài chính tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng, có tiền nhưng không thể cho vay. Những yếu tố này dẫn tới phát sinh nợ quá hạn, nợ xấu tăng cao, đồng thời cũng hạn chế tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm”, ông Hùng đánh giá.

Là công ty có lượng khách hàng khổng lồ trong thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, phục vụ gần 13 triệu khách hàng, chủ yếu là phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và thấp, FE CREDIT luôn xác định xử lý tín dụng là hoạt động trọng tâm, xuyên suốt cả trong và sau giai đoạn COVID. Nhờ đó, công ty đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành kế hoạch thu hồi nợ; đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, tỷ lệ chuyển nhóm nợ nội bảng trong quý IV/2021 ở nhiều nhóm đạt mức tốt nhất trong 6 năm trở lại đây. Khối xử lý tín dụng được cấu trúc lại tổ chức, phát triển đội ngũ nhân sự từ con số 0 và hiện tại đã đạt hơn 900 nhân sự bao phủ toàn quốc. Tổng số tiền xử lý tín dụng thu hồi được tăng 4% so với năm 2020.

Để đạt được kết quả trên, FE CREDIT đã chủ động kiểm soát chất lượng tín dụng, chăm sóc khách hàng cũng như đánh giá khả năng trả nợ trong dịch, phân loại khách hàng để có kế hoạch phù hợp, hạn chế phát sinh nợ xấu và chủ động xử lý thu hồi. Công ty cũng chủ động, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro với nợ xấu, phân loại nhóm nợ theo đúng tình trạng của khoản nợ.

Về công tác thu hồi nợ, FE CREDIT luôn ưu tiên các giải pháp hỗ trợ khách hàng trả nợ phù hợp với khả năng. Công ty triển khai các chương trình miễn, giảm lãi theo quy định để chia sẻ khó khăn với những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đồng thời, công ty cũng không ngừng nâng cao chất lượng vận hành, thông qua các cải tiến tính năng hệ thống, phát triển ứng dụng cho đội ngũ xử lý tín dụng. FE CREDIT cũng nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ nhằm tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu quả làm việc như Auto Dialer, AI, Voice Blaster.

Trong thời gian tới, với nhận định dịch bệnh COVID-19 có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và công tác xử lý, thu hồi nợ nói riêng của FE CREDIT. Bám sát các chỉ đạo, định hướng của Chính phủ và NHNN, nhằm duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, công ty dự kiến tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý, thu hồi nợ thích ứng trong dịch bệnh và giảm tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp.

Cũng theo báo cáo phân tích mới đây của SSI Research, tỷ lệ chuyển nhóm nợ của FE CREDIT đạt đỉnh trong tháng 8/2021 và cải thiện kể từ tháng 10/2021. Do đó, nợ xấu tại công ty có thể đã đạt đỉnh trong quý IV/2021 và sẽ bắt đầu cải thiện từ quý I/2022. Điều này là do theo quy định, khách hàng sau khi trả đủ phần nợ gốc và lãi bị quá hạn, sẽ được theo dõi thêm quá trình trả nợ trong thời gian từ 1-3 tháng trước khi được chuyển nhóm, phân loại lại vào nhóm nợ rủi ro thấp hơn. Nếu nền kinh tế hồi phục tốt, SSI Research kỳ vọng một tỷ lệ tương đối tốt các khách hàng của FE CREDIT có thể vượt qua thời gian thử thách 3 tháng và được nâng xếp hạng tín dụng sau đó.

Theo: